Tại Hội nghị tuyển sinh Đại học (ĐH) năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 3/3, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết trong quá trình tổ chức tuyển sinh năm 2022, một số sai sót đã xảy ra.
Trong đó, đối với phương thức xét tuyển sớm (những phương thức xét tuyển xong trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT), thí sinh phải đăng ký thông tin lên cả hai hệ thống gồm cơ sở đào tạo ĐH nơi thí sinh xét tuyển và hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.
Do đó, có tình trạng thí sinh bị nhầm lẫn, không biết phải đăng ký thông tin lên hệ thống chung. Không những thế, có tình trạng chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển và một số cơ sở đào tạo không đưa danh sách thí sinh trúng tuyển lên hệ thống. Hay có tình trạng gọi thí sinh nhập học sớm, chậm giải quyết sai sót cho thí sinh.
Để giảm thiểu những sai sót, nhầm lẫn không đáng có và giảm tải cho thí sinh, năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh phần mềm xét tuyển để thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm 2022.
Để rõ hơn về cách thức đăng ký nguyện vọng năm nay, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH ví dụ, thí sinh B muốn đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ Thông tin vào trường ĐH A. Ngành này có 4 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức tương ứng với một số mã tổ hợp. Nếu như năm 2022, thí sinh B có đủ điều kiện tham gia xét tuyển 3/4 phương thức của trường thì phải đăng ký thành 3 nguyện vọng. Mỗi nguyện vọng tương ứng với 1 mã phương thức, 1 mã tổ hợp. Năm nay, thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin, kèm theo đó là cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến điểm, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có), kết quả kỳ thi riêng (nếu có) lên hệ thống. Sau đó, phần mềm sẽ tự sắp xếp nguyện vọng cho thí sinh để có cơ hội trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin cao nhất.
Như vậy, năm nay thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành, mã trường, tên trường mà không phải đăng ký tổ hợp xét tuyển, mã phương thức xét tuyển.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, các trường cần có sự phân tích đầy đủ để qua đó làm rõ những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế của việc áp dụng các phương thức xét tuyển khác nhau. Vì những vấn đề này có liên quan tới kế hoạch tuyển sinh các cơ sở đào tạo
"Một phần hạn chế tồn tại của tuyển sinh thời gian qua được chỉ ra từ phân tích dữ liệu, thông qua kiểm tra, thanh tra của Bộ GD&ĐT. Những hạn chế về mặt kỹ thuật cũng xuất phát từ một số đổi mới nhưng cũng có nguyên nhân như chưa làm tốt công tác truyền thông, công tác phối hợp giữa Bộ với các sở GD&ĐT, với các trường đại học", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Một điểm mới nữa của tuyển sinh ĐH 2023 là điểm ưu tiên khu vực sẽ giảm tuyến tính khi thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đạt từ 22,5/30 điểm trở lên đối với tổ hợp xét tuyển. Điểm ưu tiên khu vực chỉ được tính trong năm thí sinh tốt nghiệp THPT và một năm sau đó khi thí sinh xét tuyển ĐH. |
Bên cạnh đó, có những tồn tại hạn chế thuộc về các trường đại học, ví dụ như cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức, quyết định phương thức tuyển sinh, tuyển vượt chỉ tiêu, một số trường chưa báo cáo kịp thời dữ liệu lên hệ thống. Từ những hạn chế tồn tại đó, phân tích nguyên nhân, Bộ GD&ĐT đã đề ra các định hướng cho tuyển sinh 2023. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cơ bản giữ ổn định, chỉ có những cải tiến về mặt kỹ thuật để đơn giản hóa, giảm thiểu các sai sót cho các thí sinh, tạo điều kiện cho các trường tham gia hệ thống chủ động, có đầy đủ dữ liệu hơn để thuận tiện trong quá trình xét tuyển.
Thứ trưởng Sơn đề nghị các trường sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình. Với các trường tổ chức kỳ thi độc lập, đề nghị rất lưu ý hoàn thiện quy chế thi của mỗi trường. Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện văn bản hướng dẫn tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thầy cô đại biểu hôm nay và các ý kiến khác.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)