Trong dịp tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã giao nhiệm vụ cho ngành GD-ĐT TP phấn đấu mỗi quận, huyện xây dựng được một trường tiên tiến – hiện đại. Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT đã có buổi họp lấy ý kiến của lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn TP để triển khai mở rộng mô hình này.
Đặc điểm của Đề án xây dựng trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM đã được khẳng định theo Quyết định 3036/QĐ-UBND, ngày 20-6-2014 của Chủ tịch UBND TP. Theo đó, xây dựng mô hình tiên tiến, hiện đại và hội nhập, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; tiếp cận được với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế nhưng vẫn đảm bảo mang đậm bản sắc dân tộc; Tham gia đào tạo đội ngũ học sinh năng động, có năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; Tạo điều kiện để một số cơ sở giáo dục có điều kiện trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của một số cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế…
Đối tượng áp dụng là các trường MN, TH, THCS, THPT, TCCN và CĐ công lập thuộc TP quản lý.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 cho biết: “Khi xây dựng mô hình trường tiên tiến – hiện đại chúng tôi triển khai dựa trên những mô hình, cách làm, sự đầu tư trọng điểm của nhiều trường: MN Bé Ngoan, MN 19-5 hoặc TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, TH Đinh Tiên Hoàng, TH Lê Ngọc Hân… Đây là những trường có CSVC tốt, chất lượng dạy và học đã được sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh (PHHS). Thời gian tới, ngành GD-ĐT quận sẽ triển khai tại một trường TH và đầu tư tiếp về CSVC cho trường này khoảng 20 tỷ đồng”.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Q.6 nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định lộ trình xây dựng mô hình trường tiên tiến – hiện đại của quận. “Chúng tôi có thuận lợi là trong thời gian gần đây về trường lớp được đầu tư xây mới, sửa chữa lớn, đáp ứng đủ chỗ học, điều kiện dạy và học tốt nên việc xây dựng mô hình này sẽ không gặp khó khăn”, ông Lưu Hồng Uyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 cho biết. Còn theo ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình – thì mô hình này đáp ứng được mong muốn của PHHS, tuy nhiên để tránh trường hợp phân biệt trường giàu – trường nghèo, minh bạch trong tuyển sinh, tư vấn cho những PHHS có nhu cầu là những việc quan trọng. Làm tốt, có sự đồng thuận, nhất trí của PHHS, chắc chắn sẽ triển khai mô hình trường tiên tiến – hiện đại thành công.
Cần Giờ là huyện vùng sâu, vùng xa của TP, năm học 2015-2016 huyện xác định hoàn thiện trường lớp, đầu tư trang thiết bị, CSVC cho các trường, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. “Đến năm học 2016-2017, huyện sẽ bắt đầu thí điểm tại thị trấn Cần Thạnh”, ông Dương Văn Thư – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ báo cáo.
Cũng là huyện ngoại thành như Cần Giờ nhưng thuận lợi của Bình Chánh là có nhiều xã đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, sự quan tâm của các bậc PHHS đối với GD-ĐT quận nhà là những thuận lợi tiếp theo. “Với mô hình trường tiên tiến – hiện đại, trong học kỳ II này, lãnh đạo huyện phê duyệt thì chúng tôi tin rằng GD-ĐT Bình Chánh sẽ triển khai thành công”, Trưởng phòng GD-ĐT Nguyễn Trí Dũng khẳng định.
Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP lưu ý: “Xây dựng trường tiên tiến – hiện đại là một trong những đột phá của ngành GD-ĐT TP, để mô hình này triển khai thành công thì từ việc lên phương án, chọn trường… các quận, huyện phải đảm bảo đầu tiên là đủ chỗ học cho con em Nhân dân trên địa bàn quận, phường; tiếp thu lắng nghe những chia sẻ của CBQL-GV các trường dự kiến triển khai; Đặc biệt, việc công khai thông tin, thỏa thuận với phụ huynh là khâu quan trọng nhất”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)