Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, hiệu trưởng nhà trường nào không chịu đổi mới thì rất khó triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Suy cho cùng, mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức…
Các trường THPT tại TP.HCM đã chủ động triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ảnh minh họa)
Sớm công bố chuẩn đầu ra lớp 12 theo chương trình mới
Thông tin về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại đơn vị, thầy Phạm Duy Tuyển (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) cho hay, nhà trường đã chủ động tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học tích cực cho toàn thể đội ngũ nhà giáo, giúp thầy cô nắm bắt chương trình, kế hoạch bài dạy… Trong đó, bắt buộc các tổ bộ môn lên kế hoạch dạy mẫu một số bài trong chương trình mới, có kiểm tra, đánh giá và nhận xét. Nhà trường cũng xây dựng tổ hợp tự chọn các bộ môn, dựa trên hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, định hướng nghề nghiệp, sở thích cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường tiến hành khảo sát sơ bộ học sinh lớp 9 các trường THCS lân cận, định hướng việc xây dựng tổ hợp môn, giúp học sinh có cơ sở lựa chọn tổ hợp. Đồng thời công khai rộng rãi về phương án tuyển sinh của trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên cổng thông tin điện tử, trang fanpage của trường. “Nhà trường xây dựng 12 tổ hợp lựa chọn giảng dạy lớp 10 theo chương trình mới. Cạnh đó, căn cứ vào sự quan tâm của phụ huynh, học sinh có thể tổ chức thêm một số tiết học mở để đáp ứng theo nhu cầu. Ngoài ra, nhà trường còn thành lập ban tư vấn tuyển sinh nhằm tiếp cận phụ huynh, học sinh khi đăng ký nguyện vọng vào trường”, thầy Tuyển cho biết.
Dù vậy, theo thầy Tuyển, khó khăn hiện nay của nhà trường khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc thiếu giáo viên các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học. Đặc biệt, sự quan tâm của phụ huynh, học sinh lớp 9 về chương trình mới chưa cao, thường mới chỉ định hướng đậu vào trường rồi mới chọn tổ hợp. Vì thế đặt ra bài toán nhà trường phải tiếp tục tư vấn kỹ cho các em khi đậu vào trường… “Các trường THCS cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn cho học sinh lớp 9 về chương trình mới, định hướng để học sinh lựa chọn các môn học tự chọn ở bậc THPT. Như vậy việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực sự hiệu quả”, thầy Tuyển nhấn mạnh.
Tương tự, cô Phạm Thị Bé Hiền (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5) cho biết, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học tới, nhà trường đã chuẩn bị tập huấn giáo viên, tập huấn modul chuyên đề cho giáo viên; rà soát giáo viên và tuyển dụng giáo viên để đáp ứng giảng dạy chương trình mới.
Theo cô Hiền, mô hình trường chuyên cũng có những khó khăn đặc thù. Các lớp đều có cách tổ chức tiết học rất khác nhau, khi vào lớp chuyên đã có sự lựa chọn nên lựa chọn thêm tổ hợp môn học sẽ là 2 lần lựa chọn. Nhà trường cố gắng linh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. “Bộ GD-ĐT cần công bố sớm chuẩn đầu ra của học sinh lớp 12 để các trường có sự chủ động trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng trình độ cho học sinh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong tình huống không tuyển được giáo viên âm nhạc, mỹ thuật thì nhà trường cần được tạo cơ chế để tuyển giáo viên theo hình thức hợp đồng”, cô Hiền đề xuất.
Trong khi đó, để sớm giải bài toán thiếu giáo viên thực hiện chương trình mới, thầy Nguyễn Vân Yên (Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, Q.5) mong muốn Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT cần tháo gỡ cho các trường trong việc ký hợp tác với cộng tác viên có năng lực, kỹ năng nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Hiệu trưởng không đổi mới thì rất khó triển khai chương trình mới
Trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đây tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã kể lại một câu chuyện thực tế: “Có hiệu trưởng nói rằng giáo viên cứ dạy theo những điều hiệu trưởng nói thôi là đã tốt rồi. Như vậy là áp đặt rồi. Thầy cô hiệu trưởng nào mà không chịu đổi mới thì rất khó triển khai chương trình mới. Trước kia là quản lý con người, còn giờ phải thay đổi theo hướng quản trị công việc và qua đó đánh giá năng lực, có sản phẩm cuối cùng”. Qua câu chuyện này, ông Độ nhấn mạnh, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào giáo viên và nhà giáo đóng vai trò rất quan trọng. Giáo viên phải thường xuyên nhận thức đầy đủ và đúng đắn về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thầy cô cần quyết tâm cao và thấy đổi mới là nhu cầu cần thiết.
Theo đánh giá, hiệu trưởng nhà trường không chịu đổi mới thì rất khó thực hiện chương trình mới (ảnh minh họa)
Theo ông Độ, suy cho cùng mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức. Để làm tốt điều này, các nhà trường cần bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo các yêu cầu đổi mới, phải chăm lo cho đội ngũ giáo viên bởi họ là nhân tố quyết định. “Như vậy cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới, sáng tạo, phát triển, giúp thầy cô có động lực làm việc, phát triển năng lực tối đa của mình”, ông Độ đặt ra yêu cầu.
Đánh giá chất lượng giáo dục tỷ lệ nghịch với sĩ số học sinh trên lớp, ông Độ cho rằng một trong những điều kiện để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là cần chú trọng công tác tuyển sinh đầu cấp, giảm sĩ số lớp học. Phải thực hiện đa dạng trong tuyển sinh, quyết tâm giảm quy mô số học sinh trong 1 lớp, số lớp trong 1 trường và giảm trái tuyến. Cùng với đó là hướng dẫn, định hướng học sinh lựa chọn môn học phù hợp. Bên cạnh đó thực hiện mạnh mẽ đầu tư cơ sở vật chất, tuyệt đối không để thiết bị về trường mà không được ra lớp, đã mua về thì phải sử dụng và sử dụng có hiệu quả, để tạo ra hoạt động hỗ trợ dạy học tốt hơn, đẩy mạnh hoạt động thực hành trong trường học; nỗ lực chuẩn bị giáo viên…
Yến Hoa
Bình luận (0)