Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Tuy An

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II, mỗi năm các bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Trong đó, có 96% bệnh nhi bị ngộ độc là do các loại thức ăn, đồ uống. Số còn lại là do ăn, uống nhầm hóa chất độc hại như bã chuột, thuốc bảo vệ thực vật…
Hai “thủ phạm” gây ngộ độc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến NĐTP, trong đó hai “thủ phạm” chính là vi khuẩn và hóa chất trong thức ăn.
NĐTP do hóa chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Nếu dùng phải thức ăn chứa nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm, trẻ sẽ mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư, biến đổi gien.
NĐTP do vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao hơn. Thực phẩm không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường ủ bệnh của vi khuẩn như vi khuẩn E.coli, Salmonella, Escherichiacoli…
Sau khi ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm khuẩn, trẻ sẽ có những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, có thể nôn ra thức ăn hay toàn nước, đại tiện nhiều lần, ở trẻ nhỏ thường kèm theo sốt. Khi nôn và đại tiện nhiều lần, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải, có nguy cơ dẫn đến trụy tim mạch. Dấu hiệu mất nước thể hiện ở việc trẻ khát nước, khô miệng, khô môi, mắt trũng, mạch nhanh, có thể co giật, nước tiểu ít và có màu sẫm. Trường hợp ngộ độc nặng, nếu xử lý không kịp có thể dẫn đến tử vong.
Cách xử lý
Khi trẻ có những dấu hiệu bị NĐTP, phải ngừng ngay món đang ăn. Sau đó nhanh chóng làm cho chất độc lẫn trong thức ăn thải ra ngoài bằng cách dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi, kích thích để trẻ nôn ra thức ăn. Lưu ý khi gây nôn cho trẻ, người lớn phải móc họng trẻ cho khéo, tránh làm sây sát họng. Phải để trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Trong quá trình gây nôn phải dùng khăn lau sạch. Khi nôn trẻ hay bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Cho trẻ uống nước biển khô oresol (ORS) vì nước lọc không đủ bù lại lượng điện giải đã mất. Cho trẻ ăn từng chút một thức ăn lỏng như nước cháo, xúp hay cơm nhão để mau hồi phục các men tiêu hóa. Với trẻ còn bú, các bà mẹ nên cho bú một bên vú là đủ. Sau 6 – 8 giờ nếu trẻ không ói thì cho bú lại bình thường. Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy, vì tiêu chảy do NĐTP sẽ khỏi khi thức ăn bị phân hủy hết.
Đặc biệt trong mọi trường hợp, các phụ huynh không được tự ý cho trẻ uống thuốc mà phải cho trẻ uống đúng thuốc và đủ liều lượng theo đơn kê của bác sĩ.
Phòng ngừa
Không mua thực phẩm chưa qua kiểm dịch như thịt, trứng, cá… Tránh mua rau củ quả giập nát, thịt cá có mùi lạ.
Dụng cụ nấu nướng phải sạch sẽ, tránh cất giữ thực phẩm sống và chín gần nhau. Hạn chế cho trẻ ăn ở bên ngoài, vì chúng ta không thể biết trong món ăn đó có những thành phần hóa học nào. Hơn nữa đầu bếp có thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hay không.
Người lớn cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, trong chế biến và lựa chọn thực phẩm. Chú ý chất lượng cũng như hạn sử dụng, không cho trẻ ăn thức ăn lạ. Bát, muỗng, nồi phải được nấu chín, đun sôi trước khi đựng thức ăn cho trẻ ăn. Bên cạnh đó không nên dùng lại thức ăn của ngày hôm trước, đậy kỹ thức ăn tránh ruồi, muỗi, gián…
Tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, người lớn trước khi cho trẻ ăn cũng phải rửa tay sạch sẽ.
Bác sĩ Võ Quốc Bảo
(Trưởng khoa Hồi sức BV Nhi đồng II)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)