Trên những con đường, kênh rạch ở các quận, huyện vùng ven và ngoại thành, nhiều nơi bỗng dưng trở thành những bãi rác “công cộng”. Người dân địa phương cứ tha hồ mang rác đến đổ mà không cần phải đóng tiền. Hiện trạng những bãi rác này sẽ còn tồn tại đến bao giờ… dù thành phố đang triển khai thực hiện “Năm văn minh đô thị”!
Sông rạch, đường sá đâu cũng ngập rác!
Từ nhiều tháng nay, trên quốc lộ 1A, đoạn chạy qua khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 đã xuất hiện 2 bãi rác “công cộng” to tướng. Anh Trương Công Khanh ngụ trong phường bức xúc cho biết, vào những hôm trời mưa lâm thâm như thế này, mùi hôi tanh nồng nặc lan tỏa khắp nơi trong khu dân cư, quả thật chúng tôi chịu không nổi. Nhiều người xuôi ngược qua tuyến đường này cũng đều lắc đầu ngao ngán về bãi rác, không ít người đã phàn nàn, bãi rác lấn ra cả lòng đường chẳng những lưu thông gặp khó khăn mà ngay cả mỹ quan của con đường cũng bị bỏ quên. Được biết đây là bãi rác được người dân sống trong khu vực “tạo dựng” nên, với lý do ở các tuyến đường hẻm khu vực này không có nơi đổ rác và cũng không có đội thu gom rác dân lập đến hợp đồng vận chuyển rác. Đây là đường cao tốc nên lưu lượng xe cộ qua lại và tốc độ lưu thông rất cao, việc “án ngữ” của bãi rác càng làm cho việc đi lại ở khu vực này càng trở nên nguy hiểm hơn.
Tương tự, trên đường xuyên Á, đoạn đi qua khu vực huyện Hóc Môn, những bãi rác “công cộng” cũng nhanh chóng mọc lên khi con đường mới được xây dựng. Đoạn đi qua xã Tân Thới Nhì, một bãi rác hỗn tạp gồm xác chết súc vật, rác phế liệu, rác phế phẩm nhựa, hóa chất từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… hàng đêm được lén lút mang ra đây đổ. Phần lớn các bãi rác kiểu này đều nằm giữa đồng không mông quạnh, không phải trong khu dân cư. Anh Nguyễn Văn Thành, nhà ở xã Tân Thới Nhì khẳng định với tôi rằng, bãi rác này qua mỗi đêm một nhiều hơn do phế phẩm thải ra từ các cơ sở sản xuất, rác sinh hoạt của người dân… họ chờ đêm về thì mang ra đây tha hồ đổ. Vì họ cho rằng đây là bãi rác “công cộng”, nên dù biết đây là khu vực ruộng đồng trũng thấp, mưa đến thường xuyên đọng nước, bãi rác càng nhanh chóng phân hóa hôi thối, ô nhiễm… nhưng họ vẫn vô tư đổ vào vì không mất tiền và không bị ảnh hưởng gì đến đời sống sức khỏe của họ.
Trong nhiều năm nay, nhiều hộ sống ven nhánh rạch Bàng thuộc phường Tân Phong, quận 7 vẫn thường xem dòng rạch này là bãi rác công cộng, và họ cứ mặc nhiên đổ rác xuống lòng rạch. Điều này làm cho con rạch dẫn nước giờ biến thành rạch chứa rác. Thời gian gần đây tình trạng ô nhiễm nguồn nước đen từ nhánh rạch này lan tỏa đi khắp các con rạch khác ở quận 7 và huyện Nhà Bè. Nếu không kịp thời ngăn chặn tình trạng đổ rác bừa bãi như hiện nay thì chẳng bao lâu đất sản xuất nông nghiệp tại quận 7 và Nhà Bè cũng phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không dừng lại ở dòng kênh con rạch, ngay cả con đường đẹp nhất của quận 7 là đại lộ Nguyễn Văn Linh (đường Nam Sài Gòn) đoạn gần ngã tư Đa Khoa cũng là nơi chứa rác sinh hoạt của người dân. Đi qua con đường này, người dân không khỏi lo lắng cho vẻ mỹ quan của con đường không biết được tồn tại bao lâu khi dưới hàng hoàng điệp cả một đoạn dài trên 50 mét tràn ngập trong rác. Anh Nguyễn Minh Cường, phường Tân Thuận Đông đang lúi húi gom rác ở đây lại để đốt cho hay: “Sạch sẽ được mấy hôm thì đâu lại vào đấy thôi anh ạ!”.
Khi nào xóa trắng những bãi rác “công cộng”?
Một công nhân trong Đội dịch vụ công ích quận 12 than phiền với chúng tôi rằng: “Mặc dù nhiều địa phương đã tiến hành dựng bảng cấm đổ rác ở những nơi này nhưng người dân vẫn lén lút đổ vào mỗi đêm và nếu có bắt được quả tang thì cũng không biết xử lý thế nào? Vì thế họ vẫn tái diễn và những bãi rác vô chủ này lâu lâu lại bắt chúng tôi thu dọn không công!”. Anh Dương Khải trong đội thu gom rác huyện Củ Chi cũng bức xúc khi chúng tôi hỏi về những bãi rác “công cộng” trên các con đường: “Tiền thu gom rác ở đây mỗi tháng chỉ khoảng 20.000 – 40.000 đồng (tùy nhiều hay ít), vậy mà rất ít người dân nào chịu đóng, vì họ cứ lén lút đổ vào các bãi rác “công cộng” bên vệ đường hay các con rạch. Từ trước đến nay, người dân ở đây chỉ có thói quen đổ rác bừa bãi bất cứ nơi đâu mà họ thích, nhưng không phải đóng tiền bạc gì cả. Đây cũng là một nếp sinh hoạt quen thuộc ở nông thôn, chính vì vậy mà khi dân cư đông đúc, họ cũng không chịu phá bỏ. Đồng thời lực lượng thu gom rác cũng còn rất mỏng nên chỉ đáp ứng thu gom ở những tuyến đường chính, đông dân cư, phần lớn rác ở ngoài khu vực này thì chưa đá động gì tới.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều công ty, cơ sở sản xuất của nước ngoài, những đơn vị này thường hợp đồng giao khoán rác thải, phế phẩm của công ty cho một dịch vụ tư nhân bên ngoài xử lý. Các dịch vụ này sau khi tận dụng tối đa các phế phẩm rồi thải ra các bãi rác “công cộng”. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các bãi rác mới mọc lên hàng đêm trên các con đường quốc lộ, các con sông, rạch ở các quận ven và huyện ngoại thành.
HUỲNH SANG
Bình luận (0)