Ngày 12-10, Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức diễn ra tại 3 trường THPT trên địa bàn Q.Gò Vấp (Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trung Trực, Gò Vấp). Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, các chuyên gia tư vấn đã chia sẻ những bí quyết chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực và sở thích bản thân. Bên cạnh đó còn đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích cho các em học sinh trong trường về xu hướng lựa chọn hình thức du học tại chỗ.
Du học tại chỗ cần cân nhắc gì?
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Cụ thể nhất, xu hướng du học đã được dịch chuyển, người học có nhu cầu du học đã quan tâm đến các chương trình đào tạo du học tại chỗ, chương trình liên kết quốc tế… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, khi lựa chọn các hình thức này, người học cũng cần cân nhắc, tính toán nhiều yếu tố. “Trước hết, muốn du học, các em phải xác định được mục tiêu của mình. Dù là hình thức du học tại chỗ thì các em cũng phải chỉ ra được lựa chọn quốc gia mà mình theo đuổi, ngành học mà mình quan tâm ở quốc gia đó. Một yếu tố cần thiết nữa quyết định đến thành công du học đó là năng lực tiếng Anh. Du học tại chỗ có thể sẽ giúp các em giảm bớt áp lực tiếng Anh song để thành công hay có cơ hội học tập chuyển tiếp, làm việc tại các quốc gia trên thế giới thì đòi hỏi các em phải có một năng lực tiếng Anh thật tốt”, bà Điểu Thị Kim Vân (Cố vấn du học North American Trust) cho hay.
“CÙNG BẠN CHỌN NGHỀ CHO TƯƠNG LAI” Từ ngày 9-10, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) và Sở GD-ĐT Đồng Tháp tổ chức đến với học sinh tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, chương trình diễn ra tại 21 trường THPT, cung cấp thông tin cho hàng chục ngàn học sinh. Cụ thể, xuyên suốt chương trình, các chuyên gia tư vấn cung cấp cho học sinh những kiến thức về định hướng ngành nghề, kỹ năng chọn ngành, chọn trường phù hợp; tìm hiểu hệ thống đào tạo từ TC đến ĐH, hệ thống đào tạo liên thông, chương trình liên kết quốc tế; dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động, khám phá năng lực bản thân… Dự kiến chương trình kéo dài đến hết ngày 18-10. Đ.Yến
|
Trong khi đó, ông Huỳnh Hiếu Thuận (Phó phòng Tuyển sinh, ĐH Broward phân hiệu tại Việt Nam) nhấn mạnh, trước khi quyết định du học, ngoài khả năng tiếng Anh, người học cần phải tham khảo thật kỹ về nhiều yếu tố. “Hiện tại, nhiều trường ĐH trong nước cũng như nhiều trường ĐH quốc tế tại Việt Nam có đào tạo chương trình quốc tế 2+2, tức là 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm chuyển tiếp sang học ở nước ngoài, nhận bằng quốc tế. Hình thức học chuyển tiếp này hỗ trợ người học về chi phí học tập, ăn ở, giúp người học có nhiều thời gian hơn để trang bị kỹ năng thích ứng, kỹ năng tiếng Anh, bắt nhịp dễ dàng hơn khi chuyển tiếp. Song, để chọn chương trình quốc tế tại Việt Nam, các em cần phải tham khảo thật kỹ về những chương trình đó, lựa chọn các đơn vị đào tạo uy tín. Cân nhắc xem chương trình quốc tế đó đào tạo như thế nào, chuyển tiếp với các quốc gia nào, điều kiện chuyển tiếp là gì, đặc biệt là chương trình đã được kiểm định hay chưa…”, ông Thuận lưu ý.
Cùng một ngành, mỗi trường sẽ đào tạo theo một thế mạnh riêng
Giải đáp những băn khoăn của người học xung quanh câu chuyện chọn ngành học, trường học, ThS. Đỗ Văn Sự (chuyên gia tư vấn tâm lý) cho hay, nguyên tắc trong chọn ngành nghề phù hợp cần dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố quan trọng trước tiên là năng lực học tập, khả năng, thế mạnh của bản thân. Cạnh đó là điều kiện sức khỏe, điều kiện tài chính gia đình. “Ngoài các yếu tố trên, khi lựa chọn ngành học, các em cũng cần phải cân nhắc tìm hiểu đến nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Thậm chí, xa hơn nữa đó là xác định môi trường làm việc mà mình hướng tới sau này để chọn được môi trường học tập phù hợp”, ông Sự cho biết. Cụ thể hơn, ông Sự cho hay, cùng một lĩnh vực đào tạo nhưng ở mỗi trường ĐH sẽ có thế mạnh đào tạo riêng. Vì thế, xác định được mục tiêu, môi trường làm việc trong ngành nghề của bản thân sau này sẽ giúp người học chọn được môi trường ĐH thích hợp.
HỌC NGÀNH NÀO ĐỂ CÓ CÔNG VIỆC TỐT, Trong chương trình diễn ra ở Trường THPT Gò Vấp, các em học sinh đã được giải đáp cặn kẽ những băn khoăn, trăn trở trong việc lựa chọn ngành học, bậc học. Cụ thể, em Lê Nguyễn Ái Nhi (học lớp 12A7) hỏi: “Em có quan tâm đến ngành văn hóa học, xã hội học và quản trị khách sạn. Vậy em nên chọn ngành học nào để có được công việc tốt?”. Giải đáp câu hỏi này, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết mỗi ngành nghề đều đòi hỏi yêu cầu và tố chất khác nhau. Đặc biệt, đối với ngành quản trị khách sạn, đòi hỏi người học phải nhanh nhẹn, nhạy bén, thích giao tiếp và nắm bắt được tâm lý của khách hàng. Việc biết ngoại ngữ là một lợi thế đối với người học ngành quản trị khách sạn. Bởi vì khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh mà còn nhiều thứ tiếng khác. Chính vì thế, biết được ngoại ngữ sẽ hỗ trợ bản thân rất nhiều trong công việc và quyết định mức thu nhập cao hay thấp. “Khi học tập tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, sinh viên không chỉ được đào tạo trong một môi trường học tập năng động, đầy đủ cơ sở vật chất mà còn được thực tập tại các doanh nghiệp để trau dồi kỹ năng, được nhận học bổng nếu có thành tích học tập tốt. Sau khi tốt nghiệp ra trường, những sinh viên không tìm được việc làm nhà trường sẽ hỗ trợ. Do đó, các em nên cân nhắc lựa chọn một ngành học phù hợp với đam mê, năng lực”, ông Thạch khẳng định.
Với câu hỏi của em Thùy Trâm (học lớp 12A5) về mức học phí khi học tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết khi học tại trường, sinh viên sẽ đóng học phí theo số lượng tín chỉ. Mỗi tín chỉ khoảng 895 ngàn đồng, tùy theo sinh viên đăng ký số lượng tín chỉ ít hay nhiều. “Đối với những thí sinh đầu vào, nếu có điểm ưu tiên trước đó sẽ có lợi thế hơn nhưng đây không phải là điều kiện bắt buộc. Thay vào đó thí sinh chỉ cần đạt từ 18 điểm trở lên đối với những nhóm ngành bình thường. Riêng ngành sư phạm hoặc sức khỏe đòi hỏi khắt khe hơn, điểm phải từ 24 trở lên, học kỳ 2 của năm lớp 12 phải đạt loại giỏi…”, ông Phương cho biết. Hồ Trinh |
Chia sẻ rõ hơn đến người học về việc chọn ngành học phù hợp ở các môi trường đào tạo khác nhau, ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) bổ sung, ở cùng một ngành nghề sẽ có trường đào tạo theo hướng nghiên cứu, có trường đào tạo theo tính ứng dụng. Do vậy, người học cân nhắc đến thiên hướng học tập ở mỗi ngành nghề để chọn trường học phù hợp. “Ở những trường ĐH tư thục thì thường có thế mạnh về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, mức học phí cũng sẽ khác, cao hơn ngưỡng so với các trường ĐH công lập. Do vậy, khi chọn ngành học, ngoài dựa vào năng lực học tập, khả năng, sở thích, mong muốn công việc sau này thì các em cũng phải căn cứ vào năng lực tài chính gia đình để chọn trường có mức học phí phù hợp. Tuy nhiên, thành công với ngành nghề không chỉ bắt đầu từ cách các em lựa chọn mà còn qua cách các em thích ứng, học tập, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường công việc sau này”, ông Nhơn đề cập.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)