Có trường quy định thí sinh tại 62 huyện nghèo phải đạt “4 giỏi”: ba năm liền học lực giỏi, tốt nghiệp THPT loại giỏi mới được xét tuyển. Thậm chí có trường chưa biết thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT như thế nào.
Học sinh vẫn phải đợi thông tin cụ thể về xét tuyển thẳng đối với học sinh thuộc các huyện nghèo. Trong ảnh: học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2012 tại Bình Thuận -Ảnh: MINH ĐỨC |
Chờ hướng dẫn
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại 62 huyện nghèo theo quy định tại nghị quyết số 30a của Chính phủ, nếu học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.
Thực hiện quyết định này, Trường ĐH Ngoại thương đưa ra quy định thí sinh tại 62 huyện trên phải đạt “xếp loại học lực các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Chỉ tiêu xét tuyển không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm 2012”.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM lại công bố điều kiện xét tuyển vào ĐH với điều kiện “thí sinh xếp loại học lực các năm 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi được tuyển thẳng vào hệ đại học các ngành thí sinh đăng ký xét tuyển”. Đối với hệ CĐ, trường yêu cầu thí sinh tại 62 huyện trên phải đạt “4 khá”: ba năm liền học lực khá và tốt nghiệp THPT đạt loại khá nhưng giới hạn ở một trong bảy ngành gồm công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ vật liệu, công nghệ da giày, công nghệ may, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử. Ở hệ CĐ nghề, trường yêu cầu thí sinh có học lực và tốt nghiệp phải đạt loại trung bình.
Trong khi đó, đối với nhiều trường như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Kiến trúc TP.HCM… chưa họp hội đồng tuyển sinh để bàn phương án đối với thí sinh thuộc đối tượng này. TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng công tác sinh viên và quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Đây là vấn đề mới nên trường hơi lúng túng và chưa có quyết định chính thức, phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT”. Tương tự, ThS Ninh Quang Thăng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho rằng trường chưa có phương án.
Với các trường thành viên của ĐH Quốc gia T.PHCM dù thống nhất thực hiện đúng quy định của bộ, nhưng cũng chung tâm thế là chờ hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM gút lại phương án cụ thể.
Học bổ sung hay dự bị?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi hiệu trưởng quyết định xét tuyển cho vào học, những thí sinh thuộc diện này phải được học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chương trình chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Không dạy chương trình dự bị
Trao đổi xung quanh vấn đề trên, GS-TSKH Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Sau khi thí sinh được xét tuyển, các trường đại học sẽ giảng dạy bổ sung kiến thức tùy theo yêu cầu của từng ngành học chứ không phải chương trình dự bị. Một số trường đưa ra tiêu chí quá cao là do yêu cầu về chất lượng của từng trường. Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD-ĐT đang bàn và xem xét những quy định cụ thể để hướng dẫn các trường thực hiện.
|
Thực tế cho thấy nhiều trường đang lúng túng với “chương trình bổ sung kiến thức” được Bộ GD-ĐT giao phó. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, băn khoăn: “Các trường phải thực hiện đúng quy định này và không nên đưa ra những quy định quá khắt khe với thí sinh. Thế nhưng, các trường đại học không thể dạy bổ sung kiến thức cho đối tượng này được. Nếu thí sinh có đăng ký vào trường, trường sẽ nhờ Trường Dự bị đại học TP.HCM đào tạo và đánh giá giúp”.
Chia sẻ thêm về băn khoăn này, ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính marketing TP.HCM, cho biết: “Các em vào thì trường sẽ nhận. Nhưng cái khó là trường không có đội ngũ để dạy kiến thức bổ sung cho các em. Hơn nữa, chương trình giảng dạy sẽ theo tiêu chuẩn nào để đánh giá và nếu các em không đậu sau một năm học sẽ giải quyết như thế nào”.
Ngoài vấn đề nói trên, đối với các trường thuộc tốp trên như ĐH Y dược, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân… khi vào liệu học sinh có theo nổi chương trình giảng dạy của những trường này. Theo TS Lý Văn Xuân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, trường cũng chưa quyết được vấn đề này. Có thể trường sẽ thực hiện giống như hệ dự bị và cử tuyển là gửi học sinh qua Trường Dự bị ĐH TP.HCM dạy. Nếu sau một năm không đạt, học sinh sẽ được bảo lưu kết quả thêm một năm nữa. Nếu thêm một năm nữa mà không đậu, trường sẽ chuyển xuống học hệ trung cấp.
Cùng với nỗi lo về chương trình bổ sung, các trường cũng đang “khó xử” với vấn đề học phí. PGS-TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Đối với thí sinh hệ cử tuyển và dự bị, chi phí đào tạo do địa phương chi trả. Còn đối với thí sinh xét tuyển thuộc 62 huyện nghèo như năm 2012 thì trường chưa rõ. Do đó, Bộ GD-ĐT cần thông báo rõ về vấn đề này để các trường nắm”.
MINH HIẾU
Theo TTO
Bình luận (0)