Khi còn làm công tác quản lý, mỗi sáng thứ hai, trong tiết sinh hoạt dưới cờ, tôi đều nhắc nhở học sinh phải luôn nhớ chấp hành nội quy nhà trường. Bởi việc chấp hành nội quy này sẽ giúp bản thân các em luôn có ý thức tổ chức kỷ luật khi vào học ĐH, CĐ sau này. Vậy mà tuần nào cũng có một số học sinh vi phạm. Ngặt một nỗi, theo quy định mới, nhà trường không được nêu tên học sinh vi phạm dưới cờ. Thành ra ban giám hiệu chỉ biết nhắc nhở chung chung, nên việc giáo dục, rèn luyện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo tôi, lứa tuổi nào, môi trường nào cũng cần rèn luyện mới có thành công, mới có sự cứng cáp, trưởng thành và mới nên người hữu ích. Có người cho rằng: sinh viên là lứa tuổi đã trưởng thành, hãy để các em thoải mái, tự do vì các em có tính tự giác! Đồng ý như vậy nhưng chúng ta biết rằng khi xa nhà, các em đã thoát khỏi sự quản lý của gia đình, cha mẹ như thời kỳ học trung học. Vì vậy, nhiều em cảm thấy được “tháo cũi sổ lồng”, muốn bay xa để thể hiện mình. Và một khi “thoát” được sự quản lý của gia đình, không còn ai theo dõi chặt chẽ như thời phổ thông, các em luôn muốn “buông lỏng” mình bởi không còn ai nhắc nhở hàng ngày. Có nhiều em không bắt chước cái tốt mà lại mau chóng tiêm nhiễm thói xấu như ăn nhậu, hút thuốc, cờ bạc; thậm chí vi phạm pháp luật, làm cho gia đình phải buồn phiền, lo nghĩ và bản thân các em bị ảnh hưởng việc học… Những nội quy, quy chế chặt chẽ chính là nhà trường muốn sinh viên tuân thủ, nghiêm túc thực hiện. Từ đó giúp các em trưởng thành, chững chạc để khi bước vào đời vững vàng hơn, xử lý linh hoạt các tình huống.
Có kỷ luật chặt chẽ, nghiêm khắc mới có sự thi đua trong học tập, trong rèn luyện. Bác Hồ từng dạy: “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Không có sự thành công nào đến một cách ngẫu nhiên mà nó đến từ sự khổ luyện.
Có thể nói, nội quy, kỷ luật không phải để bó buộc con người mà nội quy, kỷ luật mang đến sự thoải mái cho mỗi người khi chúng ta thực hiện đúng mọi quy định.
Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)