Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Môi trường sống ảnh hưởng tâm lý trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ được đưa đến Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM để khám bệnh
Hiện nay, do nhịp sống thay đổi nên đời sống tâm lý của trẻ ngày càng phức tạp hơn. Biểu hiện rõ nhất là trẻ dễ bị tự kỷ, chậm nói… Điều đáng lo ngại hơn là nhiều bậc làm cha làm mẹ vẫn chưa thực sự quan tâm, đồng thời lại còn coi nhẹ tầm quan trọng của việc tham vấn tâm lý cho trẻ.
Thiếu kiến thức cơ bản cũng là một khó khăn cho phụ huynh khi phối hợp với BS để chữa trị tâm lý cho trẻ.
Hệ lụy khi phụ huynh thiếu kiến thức
Ngày 4-12, bé Trần Xuân Nh. (SN 2012) được cha và bà nội quê ở Yên Thành, Nghệ An đưa đến Khoa Tâm lý thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM để khám bệnh. Tuy nhiên, ngay từ khi bước vào cửa phòng khám số 9, cháu đã khóc thét lên. Gần 5 phút mọi sự dỗ dành của người thân đều vô tác dụng. Chỉ đến khi BS. Nguyễn Quý Quỳnh đưa mấy thứ đồ chơi ra bé Nh. mới nín khóc.
Bà M., nội bé Nh. kể lại: “Bé Nh. đã gần 3 tuổi nhưng chậm nói hơn các bạn cùng lứa nên cả nhà ai cũng lo lắng, lo sợ cháu có triệu chứng điếc hay câm gì đó nên mới đưa đến bệnh viện khám” BS. Nguyễn Quý Quỳnh – Khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Nhiều trẻ vào đây rất hiếu động không bao giờ đứng yên một chỗ hoặc là thích nghịch phá mọi thứ. Nguyên nhân đầu tiên là do thần kinh không kiểm soát được, sau đó là do tâm lý bé bị căng thẳng”. Theo BS. Quỳnh, khi thần kinh trẻ nhỏ có vấn đề, thiếu kiểm soát thì cách tốt nhất là phải có thuốc điều trị. Còn thần kinh của bé căng thẳng là do môi trường sống của gia đình chưa tạo điều kiện thuận lợi để bé phát triển bình thường. Đó có thể là cha mẹ đối xử thiếu công bằng “nhất bên trọng nhất bên khinh” làm cho trẻ có cảm giác mình bị bỏ rơi. Bất đồng trong quan điểm nên nhiều cặp vợ chồng hay cãi cọ, “chiến tranh lạnh” xảy ra liên miên cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của trẻ. Bé Trà M. đang tuổi mẫu giáo có sở thích xem hình của gia đình. Thế nhưng, mỗi lần lấy mấy cuốn album trong tủ ra ngắm nghía lại bị bà nội cấm cản vì sợ bị bé làm hư. Từ đó bé có vẻ xa lánh ngay cả người thân của mình. Điều này được BS. Quỳnh khẳng định là do phụ huynh, người thân thiếu kiến thức chuyên môn nên đã để nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra trong quá trình phát hiện, điều trị chấn thương tâm lý ở trẻ.
Điều chỉnh môi trường sống của trẻ
Trong số phụ huynh phát hiện ra con bị tự kỷ chỉ có 2/3 người chịu đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời, còn 1/3 còn lại là quá trễ. Đây là điều rất đáng tiếc vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả quá trình điều trị về sau cho trẻ. BS. Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) khuyên: “Bệnh tự kỷ nếu được can thiệp sớm thì sẽ giúp trẻ giảm bớt khó khăn trong quá trình hòa nhập”. Muốn biết trẻ tự kỷ thật chính xác, theo BS. Thủy phải quan sát từ nhiều triệu chứng chứ không phải bằng vài hành vi đơn giản bề ngoài. Trẻ chậm nói thường thấy ở độ tuổi dưới 5 tuổi. Khi qua tuổi mẫu giáo trẻ sẽ nói chuyện bình thường, vì thế không thể coi đây là bệnh. Đến lúc đó vốn từ đã phong phú, trẻ sẽ có cách diễn đạt mạch lạc và trôi chảy. Tuy nhiên, số lượng trẻ chậm nói trong thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Về nguyên nhân, trẻ không nói được có thể do tự kỷ, nhưng cũng có khi do trẻ bị khiếm thính. Hạn chế khả năng nghe nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình tích lũy vốn từ và trau dồi kỹ năng nói. Một nguyên nhân dễ thấy nhất là trẻ thiếu môi trường để phát triển ngôn ngữ, thiếu sự giao tiếp, rèn luyện ngôn ngữ thường xuyên.
BS. Quỳnh cảnh báo, trẻ chậm nói hay tự kỷ không chỉ chậm phát triển trí tuệ mà còn rất khó khăn trong quá trình học tập sau này. Vì thế, trong quá trình điều trị phải thường xuyên kiểm tra trẻ về trí tuệ để đánh giá đúng mức độ. Hơn nữa, các bậc phụ huynh phải biết tự điều chỉnh môi trường sống trong gia đình, hạn chế mọi sự bất ổn không cần thiết để không phải ảnh hưởng trầm trọng đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Chương trình giáo dục đặc biệt sẽ là cánh cửa rộng mở để trẻ có thêm không gian sống, dễ hòa nhập với môi trường.
Bài, ảnh: Quang Phan
Phụ huynh cần biết
Theo BS. Thái Thanh Thủy, khi đến bệnh viện điều trị trẻ thường có tâm lý sợ sệt, ít hợp tác vì thế nên tạo môi trường quen thuộc và an toàn cho trẻ. Nên dùng những từ ngữ đơn giản, quen thuộc để trẻ an tâm và tự tin thêm. Không nên la mắng, bắt ép khi bé chưa chịu nghe lời. Cũng nên nói thật cho trẻ biết những gì đang xảy ra, không nên tìm cách nói dối làm mất lòng tin của trẻ. Dù là cha mẹ hay người thân cũng phải thật kiên trì nhẫn nại có như vậy mới thuyết phục được trẻ, nhưng trước hết phải có tình yêu thương, sự chia sẻ, đồng cảm đối với trẻ trong suốt quá trình điều trị tâm lý.
 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)