Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Môi trường TP.HCM “kêu cứu”

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, HĐND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị chuyên đề nghe báo cáo về “công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn trên địa bàn TP”. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì hội nghị.

Môi trường ô nhiễm, cá chết hàng loạt tại kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: Trọng Tri

Chưa quản được “đường dây” rác dân lập 

Theo ông Trương Trung Kiên – Trưởng ban Đô thị HĐND TP – Hiện TP có hơn 1.000 điểm hẹn thu gom rác (chủ yếu tập trung ở các quận nội thành) và 26 trạm trung chuyển. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn thu gom rác ở mức độ khá trầm trọng do nằm xen cài trong các khu dân cư, trên các trục đường chính. Mặt khác thiếu sự kết nối giữa thu gom và vận chuyển dẫn đến tình trạng xe vận chuyển đến điểm hẹn mà không có rác, hoặc rác đã tập kết rồi nhưng xe chưa tới để vận chuyển. Không những thế các trạm trung chuyển cũng chưa phù hợp với quá trình đô thị hóa của TP.

Ông Kiên cho biết thêm, trong năm 2016, TP thu gom và xử lý trung bình 8.300 tấn rác/ngày (chưa được phân loại tại nguồn). Trong đó có 500-700 tấn chất thải rắn công nghiệp, 150-200 tấn chất thải nguy hại, 9-12 tấn chất thải rắn y tế. Nguồn chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ trọng cao nhất, chủ yếu phát sinh từ các hộ gia đình, trường học, chợ, nhà hàng, khách sạn…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN-MT – cũng cho biết: TP đang tồn tại hai hình thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn là dân lập và công lập. Trong đó, hệ thống dân lập thu gom 60% chất thải rắn, 40%  còn lại do các hợp tác xã và công ty dịch vụ công ích đảm nhận. Chất thải rắn được đưa về xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Tuy nhiên theo ông Kiên, lực lượng thu gom rác dân lập có nơi lên đến 80% với 2 hình thức: tự làm chủ đường dây rác và trực tiếp cung ứng dịch vụ, bình quân từ 2-3 người (thường là người trong gia đình hoặc thuê thêm 1-2 người ngoài); làm chủ đường dây và thuê mướn lao động thu gom (do sở hữu nhiều đường dây hoặc không trực tiếp thu gom mà khoán cho người lao động). Bên cạnh đó, cũng đang tồn tại những lao động phân loại rác thải tại nguồn tự phát từ chính lực lượng thu gom, người mua bán phế liệu, ước tính khoảng 16.000-18.000 người. Lực lượng này góp phần phân loại phần nào rác thải trước khi về khu xử lý. Tuy nhiên, “công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập được phân cấp cho quận, huyện quản lý (theo Quyết định số 5425/1998/QĐ-UB-QLĐT của UBND TP ngày 15-10-1998) không còn phù hợp thực tiễn. Nhiều quận, huyện chưa quản lý được lực lượng này”, ông Kiên khẳng định.

Thiệt hại do ô nhiễm môi trường chiếm 5% GDP

PGS.TS Lê Văn Khoa – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – cho biết: “Các quốc gia khi phát triển đến một trình độ nhất định thì khi đó kinh tế càng phát triển, ô nhiễm càng giảm. Tuy nhiên ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thì chưa đạt đến mốc chuyển biến đó. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP, tức là khoảng 225.000 tỉ đồng (năm 2016). Hiện TP.HCM và Hà Nội đang nằm trong nhóm những TP bị ô nhiễm bụi nhất thế giới”.

Theo đó ông đề xuất, TP cần quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn mang tính tổng hợp, bền vững; triển khai rộng rãi phân loại chất thải rắn tại nguồn; tăng cường nguồn lực giám sát và cưỡng chế, phát triển hệ thống thu phí chất thải rắn hợp lý; xây dựng hạ tầng xử lý chất thải rắn đa dạng, linh hoạt và hiệu quả; nâng cao nhận thức cộng đồng; xã hội hóa, khuyến khích cộng đồng tham gia các hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn.

Các chỉ số đều ở mức báo động

Theo báo cáo của Ban Đô thị HĐND TP, một số liệu đáng chú ý là hiện nay có khoảng 839 nguồn thải, trong đó các nguồn có lưu lượng thải lớn đều có hệ thống xử lý khí thải (chiếm 70%), còn lại chưa có hệ thống xử lý. Nguồn gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn chủ yếu là do hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông, nông nghiệp, dân cư… Tuy nhiên, việc quản lý ô nhiễm không khí, tiếng ồn gặp khó khăn khi chưa có đầy đủ trang thiết bị quan trắc và trạm quan trắc tự động.

“Thời gian qua, TP rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và đã có chương trình đột phá về bảo vệ môi trường. Quan điểm của TP là phát triển kinh tế – xã hội phải đi đôi với vấn đề bảo vệ môi trường, tăng trưởng một cách bền vững nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân TP. Do đó, để làm tốt công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn trên địa bàn TP, các cấp, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức, hướng dẫn hành vi của người dân tham gia bảo vệ môi trường; vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương về vấn đề quy hoạch, quản lý phải thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP – nhấn mạnh.

Cũng theo bà Tâm, những bức xúc của người dân TP về vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị là lý do để HĐND TP tổ chức kỳ họp bất thường về vấn đề này trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, thay vì đợi đến cuối năm như kế hoạch.

Lê Quang Huy

 

Bình luận (0)