Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mối tương quan Giảng viên và chất lượng đào tạo ĐH, CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, vấn đề chất lượng đào tạo ở các trường CĐ, ĐH được dư luận xã hội rất quan tâm. Năm học 2009 – 2010, Bộ GD-ĐT cũng đã nêu ra chủ đề là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”, lấy việc kiểm định chất lượng làm công cụ quan trọng để đánh giá và có thể xếp hạng các trường.

Tuy nhiên chất lượng đào tạo thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: đội ngũ giảng viên, quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình tài liệu, chất lượng đầu vào, sự cố gắng của người học, các hoạt động hỗ trợ đào tạo… Ở đây chỉ đề cập đến một vấn đề là đội ngũ giảng viên trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, CĐ

PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên của trường

Mức ảnh hưởng của giảng viên đến chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo của một trường ĐH, CĐ thể hiện tập trung ở “sản phẩm” đầu ra là chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Trong khi chất lượng đầu vào như hiện nay ở các trường CĐ, ĐH phổ biến là mức trung bình vì nhiều trường tuyển sinh theo mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT quyết định. Do đó, nếu từ khi các em mới chân ướt chân ráo bước vào trường và ngồi vào ghế giảng đường ĐH đã được tiếp xúc ngay với các giảng viên có tâm huyết, có chuyên môn vững, truyền đạt kiến thức và hướng dẫn các em cách học, cách nghĩ, thói quen tranh luận cũng như phản biện với tinh thần hợp tác và tính chủ động, tự tin… thì sau 3 – 4 năm học với hàng chục môn học, chắc chắc các sinh viên sẽ thu hoạch được nhiều điều rất cần thiết, rất bổ ích cho cuộc sống và hoạt động sau khi ra trường.
Chính các giảng viên đó, không phân biện là thỉnh giảng hay cơ hữu đã góp phần rất quan trọng và có tính quyết định đến chất lượng đầu ra của một trường ĐH, CĐ.
Trong những năm qua, ở trường ĐH Văn Hiến, chính nhờ có nhiều giảng viên có những đóng góp như vậy “vì sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ” nên ở nhiều ngành, chất lượng đào tạo tương đối tốt.
Giảng viên ĐH cần có yếu tố gì?
Không phải tất cả giảng viên đang tham gia giảng dạy ở các trường ĐH hiện nay đều có thể làm đúng, làm đủ nhiệm vụ nói trên trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, vì muốn làm tốt thì các thầy cô cũng phải phấn đấu để vượt qua nhiều khó khăn trở ngại trong cuộc sống và những hạn chế của bản thân mình. Vì vậy mà yêu cầu đầu tiên đối với các giảng viên là phải nắm vững kiến thức chuyên ngành hay môn học mà mình đảm trách và phải tìm hiểu rộng ra các ngành có liên quan để thấy mối liên hệ qua lại giữa chúng. Tuy có một số giảng viên có thể giảng dạy nhiều môn khác nhau nhưng phải luôn luôn xác định môn nào là sở trường của mình. Kế điến là khả năng diễn đạt, thuyết giảng có phần hấp dẫn, lôi cuốn người nghe, người đọc để đi vào trọng tâm cốt lõi của vấn đề, sử dụng linh hoạt và hợp lý các công cụ, phương tiện bổ trợ cho bài giảng, tăng hiệu quả tiếp thu của người học, gợi ý suy nghĩ sâu và xa hơn. Bên cạnh đó, giảng viên cần phải tham gia nghiên cứu khoa học theo đề tài, theo tổ nhóm hay tự nghiên cứu tìm hiểu những vấn đề cao hơn, sâu hơn, phức tạp hơn so với môn học mà mình đảm trách để có kinh nghiệm xã hội và thực tiễn. Yêu cầu cuối cùng nhưng rất quan trọng đối với mỗi giảng viên là có tâm huyết và trách nhiệm cao trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, đồng thời có tư cách, phẩm chất đạo đức của người giảng viên ĐH, có quan hệ hợp tác và tôn trọng với đồng nghiệp.
Nếu một ngôi trường mà có được nhiều giảng viên đáp ứng được những yếu tố này thì chắc chắn trường ấy đã có được yếu tố cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo.
PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng
Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến

 

Bình luận (0)