Không khí mùa thu thường thiếu độ ẩm, dễ gây bệnh đường ruột và táo bón nên cần bồi bổ sức khỏe bằng thực phẩm nhuận táo, dưỡng phế
Mùa hè oi bức đi qua nhường chỗ cho mùa thu mát mẻ, khô hanh khiến con người cảm thấy sảng khoái, phấn chấn, linh hoạt. Tuy nhiên, do mùa thu không khí thiếu độ ẩm nên nhiều người dễ tiêu khát, mũi, miệng và da dẻ khô… thuận tiện cho các bệnh đường ruột, táo bón. Đông y cho rằng khí mùa thu dễ gây thương tổn dẫn đến âm hư. Vì vậy, nên sử dụng thực phẩm hoặc dược liệu bổ dưỡng có tác dụng tư âm, nhuận táo, dưỡng phế. Sau đây là một số món ăn tốt cho sức khỏe trong mùa thu.
Hoài sơn bồi dưỡng khí lực
Hoài sơn (củ mài) mang tính bình hòa, chứa nhiều chất dinh dưỡng; có tác dụng bồi dưỡng khí lực, thủy giải tinh bột, trợ giúp tiêu hóa, bổ khí kiện tì. Hoài sơn có thể chế thành món ăn bồi bổ cơ thể, tăng cường đề kháng khi trời khô hanh.
Cá chép là nguyên liệu rất tốt để chế biến các món ăn bổ phổi trong mùa thu. Ảnh: HỒNG THÚY
Lấy 150 g hoài sơn rửa sạch, gọt vỏ, xắt lát, cho vào nồi thêm ít nước nấu lấy nước cốt và ăn hoài sơn, uống nước. Món này dùng cho người bị lao phổi, ho, ra mồ hôi trộm hay tự ra mồ hôi.
Món cháo hoài sơn cũng rất tốt, được chế biến từ nguyên liệu gồm hoài sơn sống 120 g, xắt lát; gạo tẻ 50 g vo sạch. Đem hai thứ nấu cháo, chia ăn nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, cũng có thể dùng hoài sơn sống 60 g, ý dĩ nhân sống 60 g, hồng khô 30 g và gạo tẻ 50 g, nấu thành cháo nhừ để ăn trong ngày.
Thịt vịt bổ phế, trừ ho
Hai món ăn sau đây chế biến từ nguyên liệu chính là thịt vịt, rất tốt cho người cần bổ phế, trừ ho
– Vịt hầm hạt sen: Vịt một con làm sạch, ướp gừng, hành, tỏi đập dập; hạt sen 50 g; cải bẹ trắng 50 g ; gừng 5 g ; hành 5 g ; tỏi 10 g và một ít muối. Hạt sen ngâm nước ấm; cải ngâm nước, rửa sạch. Bỏ vịt và hạt sen vào nồi, đổ vào chừng nửa lít nước, dùng lửa lớn nấu sôi. Sau đó, vặn lửa nhỏ nấu thêm 45 phút thì cho cải vào, nấu đến khi nước sôi lại là được. Mỗi tuần ăn món này một lần sẽ giúp bổ thận âm, bổ phế, trừ ho, hạ huyết áp.
– Vịt hầm hoài sơn: Thịt vịt 100 g làm sạch, câu kỷ tử 10 g, hoài sơn 30 g, gia vị các loại. Cho vịt vào nồi đất cùng các dược liệu, thêm nước vừa đủ để hầm nhừ rồi nêm gia vị. Những người phế khí suy, ho suyễn, cơ thể suy nhược, gầy còm, ốm yếu có thể ăn nhiều lần trong ngày.
Bách hợp dưỡng tâm, an thần
Bách hợp (củ tỏi rừng) có vị đắng, mang tính hàn, tác dụng nhuận phế, tiêu đàm, trừ ho, thanh nhiệt, dưỡng tâm, an thần, lợi tiểu; thường dùng trong trường hợp trị phế hư, lao phổi, ho khan hoặc ho có đàm vàng đặc, ho ra máu, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, tim đập mạnh, hồi hộp, phù thũng. Để chế biến món nước bách hợp, dùng 2-3 củ bách hợp tươi (thân hành), tách múi làm đôi, rửa sạch, vắt lấy nước, uống với nước ấm.
Làm món bách hợp nấu đường, dùng bách hợp lượng vừa đủ, tách múi làm đôi rửa sạch, cho vào nồi với nước và nấu nhừ rồi thêm đường trắng, dùng lượng vừa đủ và tùy lúc.
Làm món bách hợp nấu mía, lấy 60 g bách hợp, tách múi làm đôi rửa sạch, cho vào nồi thêm nước nấu chín, nước mía, cà rốt vắt lấy nước, mỗi thứ nửa ly, trộn đều. Uống sáng và chiều, ngày một thang, dùng cho người lao phổi do hư nhiệt.
Dùng thức ăn bổ dưỡng phổi
Mùa thu là mùa mà các bệnh phổi, phế quản dễ phát triển bởi các tác nhân dễ gây dị ứng như phấn hoa, vi khuẩn, nấm mốc nên cần thường xuyên dùng thức ăn bổ dưỡng phổi. Người bệnh có thể dùng món cá chạch nấu tỏi: Lấy một củ tỏi lột vỏ, cá chạch 2 con, bỏ nội tạng, rửa sạch. Tất cả cùng cho vào nồi với nước nấu thành canh. Ăn cá, uống nước canh này mỗi ngày một lần.
Món canh cá chép nấu táo đỏ cũng rất tốt. Chế biến bằng cách lấy một con cá chép đánh cạo vảy, bỏ nội tạng, rửa sạch; táo đỏ 10 quả bỏ hột. Cho táo cùng với cá vào nồi nấu thành canh. Cách một ngày ăn một lần.
|
Lương y ĐINH CÔNG BẢY (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)
Theo NLD
Bình luận (0)