Đông y chia hen suyễn thành 3 thể: phong nhiệt, phong hàn và phong đàm. Có nhiều món ăn có ích cho người bị hen suyễn ở mỗi thể.
Hen suyễn là một loại bệnh dị ứng đường hô hấp. Khi dị ứng, lớp niêm mạc phế quản sưng phồng lên, thu hẹp đường hô hấp làm bệnh nhân khó thở. Các cơ bao quanh đường hô hấp cũng có thể co thắt khiến bệnh nhân cảm thấy ngực như bị bít lại, thở ra rất khó kèm theo tiếng khò khè, ho.
Cơn hen thường phát vào ban đêm lúc trời trở lạnh, thời tiết thay đổi hoặc phát theo chu kỳ và kéo dài 10-15 phút hay dài hơn, sau đó giảm dần. Đông y chia hen suyễn thành 3 thể: phong nhiệt, phong hàn và phong đàm.
Khói, bụi rất có hại cho sức khỏe của người bệnh hen suyễn (Ảnh chỉ mang tính minh họa) – Ảnh: Xuân Thảo |
Hen suyễn thể phong nhiệt
Ở thể phong nhiệt, bệnh nhân ho, khó thở, trong họng có tiếng khò khè, ngực đầy tức, đàm vàng dính đặc khó khạc, miệng đắng, khát nước, người nóng, ra mồ hôi… Món ăn có ích cho người hen suyễn thể phong nhiệt gồm:
– 50 g hoa đu đủ đực, 30 g lá dâu tằm tươi giã nát hòa với
300 ml nước lọc, lọc lấy nước đem đun sôi. Cho 100 g hẹ vào đảo đều đến khi sôi lại thì nêm gia vị vừa ăn. Ăn liên tục 3 ngày, sau đó cách 1-2 ngày ăn lại với 2-3 lần/ngày.
– Dùng 30-50 g lá dâu tằm rửa sạch, nấu với 750 ml nước cho đến khi còn 300 ml, dùng uống thay nước trà.
– Lấy 200 g củ mài luộc chín, giã nhỏ. Nấu sôi 200 ml nước mía và 30 ml nước ép quả lựu rồi cho củ mài vào đảo đều thành cháo, đến khi sôi lại là được. Ăn liên tục 5 ngày, sau đó cách 2-3 ngày ăn lại với 2-3 lần/ngày.
Hen suyễn thể phong hàn
Bệnh thường phát lúc trời trở lạnh, về đêm. Bệnh nhân thấy khó thở, tức ngực, ho có đàm màu trắng, đau đầu, sợ lạnh, người mát, không ra mồ hôi, không khát nước, nước tiểu trong… Món ăn hợp với người hen suyễn thể phong hàn gồm:
– Dùng 50 g hoa đu đủ đực cùng 3 lát gừng tươi rửa sạch, giã nát rồi thêm vào 300 ml nước; lọc lấy nước, đun sôi rồi cho 100 g hẹ vào đảo đều đến khi sôi lại thì nêm gia vị vừa ăn. Ăn liên tục 3 ngày, sau đó cách 1-2 ngày ăn lại với 2-3 lần/ngày.
– Dùng 50 g bèo cái (nhiều nơi gọi là bèo ván, bèo tai tượng) tươi bỏ rễ, lấy lá rửa sạch, phơi khô, tán bột mịn. Lấy 300 g gạo nếp đồ thành xôi, trước khi bắc nồi xuống thì rắc bột bèo cái vào đảo thật đều; đậy kín vung 5-10 phút. Mỗi ngày ăn 3 lần, dùng liên tục một tuần, sau đó cách 1-2 ngày ăn một lần.
Hen suyễn thể phong đàm
Ở thể phong đàm, người bệnh thấy tức ngực, khó thở, ho ra nhiều đàm nhớt, khò khè liên tục, nếu nôn ói ra nhiều đàm dãi thì thấy dễ chịu, miệng nhạt… Món ăn hợp với người hen suyễn thể phong đàm gồm:
– Lấy 1 quả trứng gà, dùng kim dùi 2 lỗ nhỏ ở 2 đầu. 50 g nghệ vàng rửa sạch, giã nhỏ và thêm 100 ml nước vào rồi lọc lấy nước, hòa với 1 muỗng cà phê muối. Ngâm trứng gà vào nước nghệ 3 ngày, sau đó bỏ vỏ lấy ruột ăn. Ba ngày ăn một quả, dùng liên tục 10 quả.
– Lấy 10 g gừng tươi giã nát với 1/2 muỗng cà phê muối ăn rồi cho vào ruột 1 quả chanh. Sau đó, nướng quả chanh trên lửa than đến khi vỏ có màu vàng đều là được. Ép lấy nước chanh để uống 2-3 lần trong ngày, dùng liên tục 5 ngày.
Nên ăn thêm hành tây, tỏi, nghệ…
Phấn hoa, lông động vật, bụi nhà, các nha bào nấm, vi khuẩn, thực phẩm (tôm, cua, cá, trứng, thịt bò, thịt gà…), khói bụi ô nhiễm không khí, thần kinh căng thẳng, nội tiết tố thay đổi, chuyển biến của thời tiết… đều là những yếu tố không tốt cho người bị bệnh hen suyễn. Bệnh nhân nên ăn thêm hành tây, tỏi, nghệ, ớt, tương hạt cải, các loại ngũ cốc, rau thơm. Một chế độ tập luyện vừa sức, giữ tâm thái nhẹ nhàng, không căng thẳng quá mức cũng rất tốt cho người bị hen suyễn.
|
Theo Lương y Đinh Công Bảy/ Người Lao Động
Bình luận (0)