Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn nhiều thịt, dư thừa đạm động vật sẽ tạo ra gánh nặng khiến cho cả gan và thận phải "sợ hãi".
Trong 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt heo/sản xuất là 105,4%. Theo các chuyên gia việc ăn dư thừa thịt khiến cho người Việt có nguy cơ đối diện với nhiều bệnh lý.
Theo kết quả các cuộc tổng điều tra về dinh dưỡng, mức tiêu thụ thịt nói chung và thịt đỏ nói riêng ở Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ trong một vài thập kỷ gần đây. Nếu như mức tiêu thụ thịt (các loại) bình quân một người/ngày là 51g/ngày (năm 2000) và 84g/ngày (năm 2010) và năm 2020 thì mức tiêu thụ đạt 134,5g/ngày, trong đó thịt đỏ là 95,5g, trong khi nhu cầu khuyến nghị là 70g/người/ngày. Với khu vực thành thị, mức tiêu thụ thịt còn có thể cao hơn.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, người Việt đang phải đối mặt với các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường… Nguyên nhân của thực trạng này có liên quan tới chế độ ăn mất cân đối, ăn nhiều thịt và lười vận động.
Người Việt Nam đang ăn thịt gấp đôi so với khuyến cáo. Trong khi, ở Nhật Bản lượng thịt họ ăn chỉ khoảng 65g thịt/người/ngày.
Ăn thịt nhiều gây gánh nặng cho thận, gan.
Chế độ ăn nhiều thịt khiến thận, gan phải "cầu cứu"
Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng (ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít rau xanh và hoa quả) của người Việt đã làm gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng.
PGS Lâm cho biết, ăn nhiều thịt sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng của thận. Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng trẻ em dễ gặp các vấn đề về thận hơn nếu có chế độ ăn dư thừa đạm động vật.
Do thịt có chứa nhiều protein, sau khi phân hủy sẽ giải phóng ure thừa vào máu, gây tích tụ và tổn thương thận, đặc biệt là khi thận đã suy yếu. Đặc biệt với các loại thịt đỏ có chứa protein cao nếu ăn nhiều có thể dẫn tới nhiều bệnh lý, trong đó có các bệnh về thận.
Chế độ ăn nhiều thịt, ít rau xanh và hoa quả tươi cũng khiến cho hàm lượng axit nội sinh tăng. Cơ thể phải tăng cường bài tiết amoniac để ngăn ngừa tình trạng nhiễm axit. Thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ axit dư thừa, do đó thận dễ bị suy giảm chức năng hoặc khiến bệnh thận tiến triển nặng.
Cũng theo PGS Lâm ăn thịt nhiều không chỉ tạo ra gánh nặng cho thận mà gan cũng chịu chung áp lực. Cơ thể phải phân hủy lượng lớn protein có thể gây khó khăn cho gan, do đó có thể gây ra các bệnh về gan. Protein tích tụ trong gan cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng việc ăn nhiều thịt cũng khiến cơ thể có nguy cơ phải đối diện với tình trạng tăng cholesterol, từ đó có thể gây ảnh hưởng tới thận, gan, tim mạch.
Để bảo vệ sức khỏe tổng thể và sức khỏe của gan, thận, PGS Lâm khuyến cáo mọi người nên giảm lượng thịt nạp vào cơ thể xuống mức 60-70g/ngày (đối với thịt đã nấu chín) tương đương với khoảng 100g thịt sống đã lọc bỏ xương, tăng cường ăn cá, hải sản, đậu. Người dân cũng nên ăn đa dạng các thực phẩm, tăng cường rau xanh cho mỗi bữa ăn.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh, cần tăng cường vận động thể dục thể thao nhưng phải phù hợp với lứa tuổi, thể trạng cơ thể và bệnh lý nếu có.
Ngoài ra, người dân cũng cần đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Khi mắc các bệnh lý liên quan tới chế độ ăn uống, mọi người nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)