Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Môn địa lý: Các bạn nên bám sát cuốn Atlat

Tạp Chí Giáo Dục

Theo mình, môn địa cũng có phần giống như các môn tự nhiên khác. Đòi hỏi phải có tính suy luận cao, có tính liên quan và hệ thống từ các lớp dưới. Nếu ở lớp 10 học chắc thì lên lớp 12 sẽ học dễ hơn. Tuy nhiên, môn địa không phải quá khó, chỉ cần chúng ta bám chắc vào cuốn Atlat, coi đó là “kim chỉ nam” cho mình. Bám vào cuốn Atlat để suy luận rồi đọc thêm phần kiến thức ở sách giáo khoa sẽ nhớ nhiều hơn và rất dễ học bài. Đọc nhiều cũng là một cách giúp mình “thấm” và nhớ lâu. Để dễ thuộc, các bạn cần chia ra từng khu vực kinh tế, vùng miền địa lý, không nên học một cách máy móc từ đầu đến cuối bài. Trong quá trình học, cố gắng tìm ra những điểm chung và sự khác biệt giữa các vùng địa lý, vùng kinh tế rồi từ đó so sánh, liên tưởng khi đọc đến từng bài, như vậy sẽ hệ thống được lượng kiến thức đã học và nhớ bài lâu hơn.
Môn địa có thêm phần vẽ biểu đồ và phân tích số liệu, phần này đối với một số bạn rất khó khăn, tuy nhiên, nếu chú ý một tí thì chúng ta có thể làm được. Trước hết, các bạn phải nắm vững các dạng biểu đồ chung như biểu đồ hình cột, hình tròn, miền…; cách vẽ và tính số liệu. Thường thì số liệu được cho sẵn trong đề bài, nhưng cũng có những số liệu buộc phải thuộc, lúc đó chúng ta phải đọc và liên tưởng đến những con số mà mình dễ nhớ nhất.
Trong quá trình học, không nên đặt ra chỉ tiêu phải thuộc bài này hay bài kia mà nên phân theo từng bài, tình huống trong ngày. Khi làm bài thi, điều quan trọng là xác định được những cụm từ chính trong câu hỏi, sau đó quy về kiến thức cần “giải mã”, không nên quá chú trọng vào từ để hỏi, đâm ra không xác định đúng trọng tâm của đề, dễ dẫn đến lạc đề.
Huỳnh Văn Sinh (lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền – giải 3 môn địa cấp quốc gia; HCV môn địa Olympic 30-4)
Để làm tốt môn địa lý, thí sinh nên lập dàn ý
Đề cập đến việc ôn tập môn địa lý, ông Mai Phú Thanh – chuyên viên bộ môn địa lý, Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Học sinh không nên học thuộc lòng một cách máy móc mà phải biết lý luận, biết áp dụng thực tiễn”. Ông Thanh cho biết thêm, khi làm bài thi, thí sinh cần phải bình tĩnh xem kỹ đề thi để nắm vững yêu cầu kiến thức và các kỹ năng được quy định. Nhất thiết thí sinh phải viết dàn ý ra trước rồi mới làm, nếu không lập dàn ý tóm tắt thí sinh sẽ rất khó làm đầy đủ các yêu cầu trong đáp án. Đồng thời thí sinh phải biết cách diễn đạt cần ngắn gọn, súc tích, giải quyết đúng yêu cầu của câu hỏi, tránh suy diễn theo ý của mình.
DƯƠNG BÌNH (ghi)
 

Bình luận (0)