Sáng nay, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT đã hoàn thành xong bài thi môn Địa lý. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi môn Địa lý năm nay khá “dễ thở”, không có câu nào hóc búa hoặc đánh đố thí sinh. Thí sinh Võ Thị Hồng Nhung, trường THPT Trần Quốc Tuấn (Đồng Nai) cho hay: đề thi năm nay nằm trong phần trọng tâm ôn tập nên em làm bài rất tốt. “Đề có nhiều dạng bài quen thuộc, riêng câu II nằm hoàn toàn trong Atlat Địa lý (được mang vào phòng thi-PV) nên nếu bạn nào chỉ thi để xét điểm tốt nghiệp thì việc đạt điểm trung bình là hoàn toàn có thể”, Nhung khẳng định.
Thí sinh và phụ huynh trao đổi đề thi sau buổi thi môn Địa Lý
Tại điểm thi trường THPT Gia Định, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi khi mới chỉ hết 2/3 thời gian làm bài. Các thí sinh tại hội đồng thi này nhận định: đề vừa sức, chỉ cần nắm vững kiến thức SGK lớp 12 là có thể làm bài thi …ngon lành. “Ngay cả những thí sinh không “trúng tủ” cũng có thể đạt được 5 điểm từ câu II (dựa vào Atlat) và câu III (vẽ biểu đồ và nhận xét) vì gợi ý câu hỏi quá rõ ràng” Phan Thảo Nhiên, HS trường THPT Thanh Bình nói rõ.
Những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài
Nhận định về đề thi THPT Quốc gia môn Địa Lý, thầy Võ Minh Tùng, giáo viên trường THPT Trí Đức nhận định: đề thi đáp ứng được cả 2 mục đích của kỳ thi. Số lượng câu hỏi không dài, đủ để các thí sinh phân bố thời gian cho các câu. Đặc biệt, đề thi còn hạn chế được việc học thuộc lòng của thí sinh. “Câu I kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK, câu II dựa vào Atlat, câu III đề thi yêu cầu rất rõ ràng là vẽ biểu đồ cột chồng và đường) nên tôi cho rằng các em dư sức kiếm điểm ở nhưng câu này. Riêng câu IV là câu dùng để phân loại thí sinh, dành cho nhưng em sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH rất hay, đòi hỏi những em này phải có sự kết hợp giữa kiến thức trong SGK với thực tế bên ngoài, nghĩa là các em phải quan tâm đến tình hình xã hội, thời sự; đồng thời phải có phải có sự phân tích, tư duy mới làm tốt được câu này. Tôi cho rằng: đây vừa là câu hỏi mở để phân loại thí sinh, lại vừa có ý nghĩa giáo dục cho các em vai trò của biển đảo, khai thác tài nguyên biển đảo trong công cuộc phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay”, thầy Tùng khẳng định.
Linh Vy
Bình luận (0)