Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Môn Địa lý: Đừng mất điểm ở phần thực hành

Tạp Chí Giáo Dục

Theo giáo viên bộ môn, Địa lý rất dễ “lấy điểm” nếu học sinh nắm được những kỹ năng cơ bản. Để xét ĐH, người học cần có sự đào sâu kiến thức. “Chắc cú” kiên thức 12 là đã đạt điểm trên 5.

Kiến thức “cũ” chỉ ôn theo dạng tích hợp

Dựa vào đề minh họa có thể nhận thấy kiến thức 12 chiếm đa số trong cấu trúc đề, lên đến 90%. Trong đó, lý thuyết là 67,5%, thực hành là 32,5%. 10% còn lại của đề minh họa là kiến thức lớp 11. Như vậy, nhận định là học sinh nên tập trung ôn chủ yếu vào kiến thức 12.

Học sinh lớp 12A1 THPT Lê Quý Đôn giờ học Địa

Cụ thể, với kiến thức 12, phần lý thuyết học sinh nên nắm các kiến thức cơ bản, vẽ sơ đồ tư duy theo từng bài, lưu ý những phần kiến thức như Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý các ngành kinh tế, Địa lý các vùng kinh tế và Địa lý biển đảo. Các dạng câu hỏi nâng cao trong phần này thường tập trung vào kiến thức Địa lý các vùng kinh tế và Địa lý các ngành kinh tế; Ở phần thực hành, sẽ kiểm tra học sinh các kiến thức về đọc Atllat, bảng số liệu và biểu đồ mà trong đó chủ yếu là đọc Atlat và bảng số liệu. Các câu hỏi Atlat thường chỉ dưới dạng nhận biết, học sinh chỉ cần nắm được kỹ năng đọc Atlat là làm được. Tuy nhiên, trong phần này cũng sẽ có những câu thông hiểu, đòi hỏi sự tính toán dựa trên Atlat. Với phần bảng số liệu, biểu đồ đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức mà còn phải có kỹ năng nhận diện câu hỏi, nhận diện các loại biểu đồ. Đây là phần kiến thức nhẹ nhàng, khá dễ kiếm điểm. Do đó, các em cần phải nắm thật chắc kiến thức, tránh sự sai sót, nhầm lẫn khi làm bài.

Theo đề minh họa, kiến thức 11 tập trung vào Đông Nam Á, ở mức độ nhận biết. Tuy nhiên, khi ra đề thường thì các kiến thức “cũ” sẽ không ra dưới dạng “rạch ròi” mà được lồng ghép giữa các phần kiến thức với nhau. Vì thế, trong quá trình ôn tập, người học nên hệ thống lại các kiến thức trong cả 3 chương trình 10, 11 và 12 để có sự so sánh, đối chiếu. Lưu ý, kiến thức 10, 11 chỉ ôn ở mức cơ bản.

Các câu hỏi mang tính thực tế trong đề cũng được đề cập khá nhiều, thường trong các câu hỏi về kinh tế, các vùng kinh tế, kiến thức biển đảo, môi trường và đều là những số liệu khá mới. Đây cũng là điều lưu ý với học sinh khi ôn tập, nhất là các học sinh sử dụng môn Địa làm tổ hợp xét ĐH, cần phải mở rộng thêm kiến thức.

Đặc biệt, trong đề thường có dạng câu hỏi phủ định, yêu cầu học sinh tìm ra đáp án sai giữa các đáp án đúng. Dạng câu hỏi này học sinh thường dễ nhầm lẫn nếu không đọc kỹ đề. Cùng với đó, các câu đưa ra yếu tố nguyên nhân cũng thường chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là các câu vận dụng, học sinh phải nắm chắc kiến thức kết hợp cùng với suy luận, tư duy.

Thầy Lê Thanh Long
(Tổ trưởng Tổ Địa trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn)

Dùng sơ đồ tư duy cho từng mảng kiến thức

Xét về cấu trúc chung, đề minh họa chỉ có kiến thức 12 và 11. Trong đó chủ yếu là kiến thức 12. Vì vậy, để tốt nghiệp, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức 12 ở mức độ cơ bản. Còn với mục đích xét ĐH các em nên bổ sung thêm kiến thức 11 và 10.

Cụ thể, kiến thức 12 sẽ gồm 2 phần là lý thuyết và thực hành. Ở phần lý thuyết, các em nên sử dụng sơ đồ tư duy ôn theo từng mảng kiến thức về Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý các ngành kinh tế, Địa lý các vùng kinh tế. Và nắm các kiến thức này ở mức độ cơ bản: đặc điểm tự nhiên của Việt Nam, đặc điểm dân số, sự phân bố dân cư, lao động việc làm, đặc điểm đô thị hóa. Riêng về Địa lý các ngành kinh tế chủ yếu đọc Atlat, đối với Địa lý các vùng kinh tế thì nắm các thế mạnh phát triển của mỗi vùng.

Ở phần thực hành, kiến thức sẽ đề cập đến biểu đồ, nhận xét bảng số liệu và đọc Atlat. Đây là phần kiến thức không quá khó nhưng để làm được học sinh cần có kỹ năng: Nắm chắc dấu hiệu nhận dạng của 5 dạng biểu đồ về từ khóa, số năm trong bảng số liệu, đơn vị của bảng số liệu để xây dựng biểu đồ; Đối với đọc Atlat nắm được ký hiệu chung (trong trang 3), dựa vào yêu cầu của câu hỏi đề lật trang phù hợp. Đồng thời biết cách chồng ghép bản đồ theo yêu cầu. VD: nếu là tỉnh thì chồng trang 4 và 5 (hoặc trang 26, 29), với vùng kinh tế là trang 17; Về nhận xét bảng số liệu, học sinh cần phải đọc, phân tích, loại trừ từng lựa chọn trong đáp án.

Với kiến thức 11, học sinh chú ý về Đông Nam Á, nắm vững các kiến thức cơ bản: vị trí Đông Nam Á, những nét khái quát chính về dân số, diện tích, đặc điểm phát triển kinh tế của Đông Nam Á, ASEAN.

Đảm bảo được khối lượng kiến thức ôn tập như trên đã đủ để học sinh lấy điểm 5

Đối với học sinh chọn môn Địa làm tổ hợp xét ĐH, ngoài việc đảm bảo ôn tập lượng kiến thức cơ bản như trên, các em cần phải có sự triển khai sâu hơn trong từng mảng kiến thức, thông hiểu và vận dụng liên hệ thực tế. Trong đó, nên có sự so sánh, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế đối với một vùng cụ thể. So sánh, đánh giá kiến thức theo từng chủ đề như cây lương thực với cây công nghiệp, chăn nuôi và thủy điện, du lịch và kinh tế biển… Đồng thời chú ý đến các kiến thức thực tế có thể đề cập trong đề: lao động việc làm, chủ quyền lãnh thổ, ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu…

Ngoài ra, đối tượng học sinh này cũng nên có sự tích hợp thêm kiến thức trong chương trình lớp 10, nhấn mạnh vào kiến thức về dân số, địa lý các ngành kinh tế.

Cô Lê Thị Nga
(Tổ trưởng Tổ Địa, trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3)

Yến Hoa

Bình luận (0)