Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Môn Địa: Phổ điểm rơi vào 4 – 6

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Đỗ Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường THPT Alfred Nobel – Hà Nội tổng kết đề thi môn Địa "khá hay và tính “an toàn” cao. Học sinh ở trình độ khác nhau (giỏi, khá, trung bình) đều cũng có thể làm bài với các mức độ khác nhau".

Đây là năm đầu tiên thực hiện theo chương trình thí điểm trong phạm vi cả nước.
Về cấu trúc đề thi, theo đúng cấu trúc đề thi tuyển sinh Đại học và Cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề thi gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh (8,0 điểm), phần riêng cho chương trình chuẩn và và chương trình nâng cao (2 điểm)
Phần chung cho tất cả các thí sinh gồm 3 câu, trong đó có 2 câu lí thuyết, mỗi câu lớn lại chia làm 2 câu nhỏ, với tổng số điểm 2 câu lí thuyết là 5,0 điểm) và 1 câu bài tập thực hành (3,0 điểm)
Phần riêng cho chương trình chuẩn và và chương trình nâng cao (2 điểm). Có 2 câu lí thuyết. Mỗi thí sinh được chọn một trong 2 câu bất kì cho dù học ở chương trình chuẩn hay nâng cao và chỉ được làm 1 trong 2 câu đó.
Trong toàn bộ đề thi câu hỏi lí thuyết chiếm 7,0 điểm, câu hỏi thực hành chiếm 3,0 điểm là rất hợp lí.
Như vậy so với cấu trúc đề thi năm 2008 có sự khác biệt khá lớn, vì phần chung cho chương trình phân ban thí điểm và không phân ban chỉ có 6,5 điểm, còn phần riêng cho từng chương trình thì lên tới 3,5 điểm.    
Về nội dung đề thi, do đề thi mỗi câu lí thuyết được chia làm 2 câu nhỏ nên đã phủ được lượng kiến thức của nhiều nội dung chương trình Địa lí 12: Địa lí tự nhiên, Địa lí kinh tế và Địa lí các vùng kinh tế, tránh được việc học tủ đối với các thí sinh.
Dạng câu hỏi phong phú và với các mức độ tư duy khác nhau có câu hỏi dễ thuộc dạng thuộc bài như câu1: trình bày đặc điểm và ý nghĩa của giai đoạn Tiền Cambri trong lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ Việt Nam. Chứng minh nguồn lao động nước ta phân bố không đều giữa các khu vực nông thôn với khu vực thành thị…
Cũng có câu hỏi đòi tư duy và vận dụng kiến thức tổng hợp như: Phân tích những thuận lợi đối với hoạt động đánh bắt thủy sản ở nước ta. Giải thích tại sao hoạt động nuôi trồng lại chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành thủy sản.Tại sao đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của nước ta hiện nay?…
Phần câu hỏi bài tập thực hành là loại câu hỏi bài tập thể hiện quy mô và cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và phân theo thành phần kinh tế nước ta năm 2000 và năm 2006.
Đây là loại bài tập khá phổ biến trong các kì thi Đại học và Cao đẳng các năm trước đây, hầu hết thí sinh đều có thể làm được câu này.
Cách diễn đạt của đề chính xác, rõ ràng giúp cho học sinh dễ định hướng được dạng câu hỏi lí thuyết và bài tập cũng như hướng làm bài thi, không đánh đố thí sinh.
Nhận xét chung:
Ma trận của đề thi bao gồm nhiều mức độ kiến thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp.
Trong đó phần thuộc bài chỉ chiếm khoảng 30% còn lại thí sinh phải biết vận dụng kiến thức để phân tích, so sánh, tổng hợp mới làm được bài thi.  
Đề thi phân loại được thí sinh. Điều này chứng tỏ những người chịu trách nhiệm ra đề thi có nhiều kinh nghiệm ra đề và xử lí đề thi hợp lí.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì phổ điểm của đề thi này phần lớn trong thang điểm từ 4,0 – 6,0 điểm. Nếu thí sinh muốn đạt điểm 7,8,9 thì không những phải nắm kiến thức, kĩ năng một cách chắc chắn mà còn phải biết vận dụng kiến thức và kĩ năng đó một cách thành thạo để xử lí đề thi, ngoài ra còn có phương pháp và kinh nghiệm làm bài thi khá thành thạo.
Bảo Anh (Vietnamnet)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)