Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Môn hóa học: không thuộc lòng máy móc

Tạp Chí Giáo Dục

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2010 môn hóa học của Bộ GD-ĐT phân bố khá rõ ràng, chi tiết số câu hỏi cho từng nội dung kiến thức ở các chương, bài trong chương trình lớp 12.

Từ cấu trúc này, học sinh hãy phân chia thời gian ôn luyện hợp lý để có thể học kỹ những phần nội dung chiếm nhiều câu hỏi trong đề và dành thời lượng vừa phải cho những phần ít câu hỏi hơn.
Để ôn luyện môn hóa đạt kết quả cao, các bạn nên nhớ là phải học hiểu, nắm thật chắc vấn đề chứ không nên học thuộc lòng theo kiểu máy móc. Trước hết, các bạn phải xem lại thật kỹ lý thuyết. Phần nào các bạn chưa học hay học thuộc nhưng chưa hiểu phải nắm lại. Từ đó, theo cách riêng của mình, các bạn có thể hệ thống, xâu chuỗi để thấy được sự logic giữa các kiến thức để hiểu sâu hơn bài học.
Điều đó sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc vận dụng lý thuyết để giải các bài tập. Một cách hiệu quả để nắm rõ bài học và luyện khả năng phản xạ khi thi trắc nghiệm là các bạn phải làm thật nhiều bài tập trong sách giáo khoa. Làm từ dễ đến khó và càng nhiều càng tốt.
Ở phần giải bài tập, trước mỗi dạng bài các bạn nên vận dụng tối đa khả năng của mình để đưa ra câu trả lời, sau đó mới so sánh với đáp án để thấy được mình đúng-sai chỗ nào. Bên cạnh đó, các bạn cũng phải lật đi lật lại, xét dưới nhiều góc độ để nắm được nhiều khía cạnh của vấn đề. Bởi lẽ, cùng một vấn đề nhưng người ra đề có thể hỏi các bạn nhiều cách khác nhau.
Chỉ khi nắm được tổng quan, các bạn mới đưa ra câu trả lời chính xác. Hóa học là môn thi trắc nghiệm và điều tối kỵ là các bạn ôn luyện bằng cách chỉ đọc câu hỏi và dò câu trả lời có sẵn chứ không hiểu tại sao câu đó mình đánh A, B…
Tôi biết có những bạn ôn thi trắc nghiệm theo kiểu “vừa đọc câu hỏi vừa xem câu trả lời” theo kiểu 1a, 2b, 3d… theo những đáp án có sẵn. Điều này rất nguy hiểm vì vào phòng thi nếu gặp những dạng toán tương tự đi chăng nữa nhưng đáp án bị xáo trộn thì việc ôn luyện của các bạn sẽ trở nên vô nghĩa.
Quan trọng nhất khi bước vào phòng thi là các bạn phải thật bình tĩnh. Khi nhận được đề, hãy đọc lướt qua một lượt và dừng lại ở những câu mình chắc ăn. 40 câu sẽ làm trong 90 phút nên các bạn sẽ trả lời khoảng 2,25 phút/câu. Số điểm mỗi câu đều bằng nhau, không phân biệt dễ – khó nên các bạn hãy làm trước những câu lý thuyết, những câu dễ và “để dành” những dạng bài ít gặp. Hoàn thành phần lý thuyết càng nhanh, các bạn càng tích lũy được thời gian giải toán vốn cần nhiều thời gian.
BIỆN VĂN CƯ (giáo viên môn hóa học Trường THPT Võ Thị Sáu,TP.HCM)
Theo Tuoi Tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)