Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Môn Lịch sử: Bám kiến thức qua từng giai đoạn

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi sự kiện trong từng giai đoạn, hãy trả lời được những câu hỏi sự kiện đó là gì, do ai, ở đâu, khi nào, tại sao và diễn ra như thế nào (công thức 5W+1H). Cùng với đó, hãy tập trung ôn sâu chương trình lớp 12 để đảm bảo đậu tốt nghiệp.

Với học sinh sử dụng môn Sử làm tổ hợp xét ĐH, cần lưu ý ôn tập theo chủ đề giữa những kiến thức có nội dung gần nhau, liên quan với nhau. Quan trọng nhất để làm được đề trắc nghiệm là kiến thức phải biết và hiểu.

“Gối đầu” công thức “5W + 1H”

Điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là kiến thức nằm trong cả 3 chương trình và chủ yếu là chương trình 12. Ôn tập như thế nào để không dàn trải, không quá tải là điều các em cần phải chú ý.

Hãy chú ý các mốc thời gian qua từng giai đoạn cùng hệ thống các kiến thức cơ bản của mỗi giai đoạn. Cách học dễ nhớ và dễ hiểu nhất là vận dụng công thức “5W+1H” trong từng giai đoạn là đã có thể giải quyết được những nội dung cơ bản nhất. Cũng vẫn với kiến thức 12, khi ôn tập các em nên giải song song các bài tập trắc nghiệm theo từng bài, từng giai đoạn. Đồng thời có sự so sánh, đối chiếu giữa các giai đoạn. Nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình 12, người học đã có thể lấy được điểm 5.

Đặc biệt, với những học sinh có sử dụng môn Sử trong tổ hợp xét ĐH của mình cần lưu ý, bên cạnh việc “nằm lòng” công thức “5W+1H” thì các em nên sử dụng ôn tập dưới dạng chủ đề với các nội dung gần nhau, có sự liên kết với nhau: chủ đề về Hội nghị trong giai đoạn 1930-1945; chủ đề về kinh tế, khoa học kỹ thuật giai đoạn 1945-1973… Trong đó, tập trung hơn vào phần Lịch sử Việt Nam hiện đại. Điều cần chú ý khi ôn tập Lịch sử Việt Nam, học sinh dễ nhầm lẫn giữa các giai đoạn, các Hội nghị, ý nghĩa cách mạng của giai đoạn này với giai đoạn kia… Để tránh những nhầm lẫn này, ở mỗi giai đoạn đều có những từ khóa. Học sinh nên chú ý ghi nhớ các từ khóa.

Lịch sử thế giới trong chương trình 12 không được nhắc đến quá nhiều trong đề minh họa, chỉ ở mức vận dụng thấp. Khi ôn tập, các em cũng chỉ nên nắm các kiến thức, sự kiện cơ bản, tạo ra các chủ đề giữa những bài có nội dung tương đồng nhau để dễ nhớ.

Các câu hỏi vận dụng, nâng cao thường là sự tổng hợp của nhiều kiến thức. Khi ôn tập, học sinh nên có sự xâu chuỗi, so sánh, đối chiếu và phân tích giữa các kiến thức tương đồng hoặc đối lập nhau.

Ở kiến thức 11, các em nên nắm kiến thức cơ bản, ngắn gọn nhất. Đặc biệt, chú ý giữa các kiến thức có sự liên thông với các kiến thức 12 cùng với sự so sánh, đối chiếu như: Chiến tranh thế giới thứ I, thứ II, Cách mạng tháng 10 Nga…

Theo đề minh họa, chương trình lớp 10 dù không được nhắc đến trong đề nhưng dựa vào thông báo của Bộ GD-ĐT là kiến thức nằm trong chương trình THPT nên học sinh, nhất là những học sinh sử dụng môn Sử xét ĐH các em cũng nên mở rộng ôn tập nội dung này tại nhà.

Đề thi sẽ bao gồm 40 câu trong thời gian 50 phút. Khi làm bài, các em cần đọc kỹ đề, câu nào có khả năng làm được thì làm, không nên sa đà quá sâu vào những câu khó, tránh mất thời gian.

Cô Nguyễn Thụy Vi Vi
(Tổ trưởng Tổ Sử, trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức).

Phải hiểu kiến thức mới đạt điểm trên 5

Từ đề minh họa nhận thấy, học sinh có thể dễ dàng đạt điểm trên 5 nếu nắm chắc, học đủ và hiểu các kiến thức cơ bản trong chương trình 12. Còn với học sinh có nhu cầu xét ĐH thì yêu cầu cần phải mở rộng kiến thức. Nên chú ý cập nhật thêm các thông tin mới liên quan đến thời sự, các kiến thức liên quan đến lịch Sử Việt Nam và thế giới.

Theo đề minh họa, kiến thức lớp 12 chiếm 90% trong đó kiến thức cơ bản từ 16 câu, kiến thức nâng cao khoảng 20 câu, riêng 10 câu cuối cùng là lấy điểm 9, 10. Để làm được phần nội dung cơ bản, học sinh phải có sự hiểu biết và đào sâu ở từng khối lượng kiến thức. Đề thi không còn xu hướng ra dưới dạng kiểm tra các con số, dữ kiện ngày tháng mà tập trung vào diễn biến của sự kiện, bản chất của vấn đề. Vì thế, nếu các em chỉ học thuộc, học vẹt thì khó có thể làm được đề.

Với chương trình 11, học sinh nên tập trung ôn kiến thức lịch sử Việt Nam cận đại giai đoạn 1858-1918. Ở chương trình 10 lại cần chú ý sâu trong kiến thức lịch sử phong kiến, những cuộc kháng chiến chống ngoại sâm, niềm tự hào dân tộc (lịch sử Việt Nam phong kiến).

Chú ý, các câu hỏi vận dụng cao thường rời vào phần lịch sử Việt Nam hiện đại nhất là giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1919-1975). Với dạng câu hỏi này, cách hỏi thường không đề cập trực tiếp vấn đề mà lại “dẫn” học sinh đi “một quãng đường”, rất lòng vòng sau đó mới đề cập. Đôi khi, các kiến thức tưởng chừng “không liên quan”. Do đó, học sinh khá giỏi nên chủ động mở rộng, nâng cao kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu chính thống.

Nhầm lẫn thường gặp nhất ở môn Lịch sử là học sinh không phân biệt được các thuật ngữ như chiến lược và sách lược, đại hội và hội nghị. Từ những nhầm lẫn này sẽ dẫn đến việc chọn sai đáp án. Vì thế, khi ôn tập, học sinh nên có sự so sánh..

Phương pháp học “tối ưu” với đề trắc nghiệm là bên cạnh việc hiểu các kiến thức tổng quát, người học cần xâu chuỗi các vấn đề, đối chiếu các vấn đề, thuật ngữ. Nên sử dụng sơ đồ tư duy và khái quát kiến thức ngay sau mỗi bài học. Quan trọng nhất đối với đề trắc nghiệm là kiến thức không chỉ biết mà còn phải hiểu. Khi làm đề, hãy đọc kỹ đề, tìm ra được những từ khóa, ý chính của từng câu hỏi.

Cô Bùi My Thúy
(Phó HT, giáo viên Lịch sử, trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh).

Yến Hoa

Bình luận (0)