Đã từ lâu, dư luận xã hội ca thán về chuyện học sinh học kém môn Lịch sử. Điều này đã khẳng định qua điểm thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ vừa qua. Tại sao học sinh lại học kém môn Lịch sử như vậy?
"Lịch sử chỉ là môn phụ"
Nguyễn Văn Thắng – học sinh lớp 10A Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự: “Thời nhỏ em cũng yêu các truyện lịch sử lắm nhưng khi đi học nhiều môn quá. Mặt khác bố mẹ chỉ muốn con học giỏi các môn Toán, Lí, Hóa, Văn, Ngoại Ngữ thôi nên em lên lớp cũng tập trung học những môn đó”.
Còn em Trần Anh Đức – học sinh lớp 11H Trường THPT Thanh Chương I (Nghệ An) cho rằng: “Nếu học giỏi sử thì không khó nhưng vì học sử không thi được vào nhiều trường đại học nên chẳng bạn nào theo đuổi học. Nhiều người còn nghĩ rằng thi tốt nghiệp chỉ nằm trong sách giáo khoa nên chỉ học thuộc là được chứ nghĩ làm nhiều cho mệt”.
Chị Hương Giang ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 8 bày tỏ: “Tôi muốn sau này con có công việc ổn định thì ngay từ bây giờ phải định hướng cho con học những môn thi khối A Hoặc khối D vì khối này thi được nhiều trường đại học. Với các môn xã hội, như Lịch sử ngàn đời thì cũng chỉ thế, với những sự kiện, nhân vật đó, có ai bịa thêm lịch sử đâu mà phải học nhiều. Cho nên khi đến những lúc thi học kỳ con học Lịch sử tôi tập ôn cùng nó cho nó thi xong rồi thôi chứ bắt nó nghiền ngẫm làm gì cho đau đầu vì đó cũng chỉ là môn phụ”.
Với tâm lý học để thi nên nhiều phụ huynh, ngay từ khi con học cấp hai đã định hướng cho con phải học các môn tự nhiên để sau này con thi đại học những trường nổi tiếng ở Việt Nam như Ngoại Thương, Bách Khoa, Xây Dựng… sau này ra trường khỏi phải nghĩ đến chuyện xin việc làm.
Mãi vẫn chỉ là môn học thuộc
Trong những môn xã hội ở bậc phổ thông hiện nay thì môn Văn bao giờ cũng được phụ huynh chú ý, tập trung định hướng cho con học nhiều nhất. Sở dĩ theo quan niệm của họ, môn Văn và môn Toán là một trong hai môn chính. Học sinh học được hai môn chính thì sẽ học được những môn khác. Với cách suy luận này thì học sinh nào học được hai môn trên thì chắc chắn học môn Lịch sử.
Cô Nguyễn Hoàng Nam – giáo viên sử trường THPT Thanh Chương (Nghệ An) cho rằng: “Bây giờ học sinh chẳng hào hứng học Sử như trước đây. Việc học các môn như Văn Toán, Ngoại ngữ nhiều khiến cho học chỉ đối phó với thi cử. Chứ nhận thức học sử để làm gì chẳng bao giờ khiến các em quan tâm. Còn giáo viên đã truyền tải cho các em hiểu về những kiến thức qua mỗi bài giảng sử nhưng sự thờ ơ của nhiều học sinh khiến cho giáo viên có nhiệt huyết lắm rồi có lúc cũng có ngày chán”.
Còn GS Vũ Dương Ninh – giảng viên khoa Lịch sử trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN lý giải: “Nguyên nhân có hiện tượng trên là do trong chương trình học bậc phổ thông ở nước ta đang có nhiều bất cập, chính sự bất cập này mới tạo ra cái môn chính môn phụ. Còn việc dạy, học lịch sử thiếu tư duy khoa học thì mãi chỉ nghĩ là môn học thuộc. Cái chưa làm được của những người dạy sử ở nước ta là không dạy được cho học sinh cái tư duy logic của sử nên học sinh học cảm thấy chán không hào hứng môn Sử”.
Cần thay đổi
TS. Đặng Thanh Toán – giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định: Đã đến lúc mọi người phải nhìn lại việc dạy và học môn Lịch sử một cách nghiêm túc. Từ có biện pháp thay đổi. Tôi cho rằng thay đổi đầu tiên có lẽ là từ bậc phụ huynh. Phụ huynh có ý thức về lịch sử thì con của họ mới yêu môn lịch sử. Sau đó, cần thay cách tư duy và viết sách giáo khoa Lịch sử hiện nay. Sách giáo khoa cần được biên soạn theo hướng mở tránh những câu từ gây sự nhàm chán cho học sinh.
Còn nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Phúc – nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Chương (Nghệ An) cho rằng: “Việc thay đổi chương trình viết sách giáo khoa là căn bản song cái quan trọng là cần phải dạy các em phương pháp làm bài môn Lịch sử cũng như cách hành văn của môn Lịch sử khác gì so với các môn khoa học xã hội khác”.
Theo Tuấn Đức
(Dân trí)
Bình luận (0)