Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Môn lý luận chính trị: Không còn là “dũng sỹ diệt SV”

Tạp Chí Giáo Dục

phương pháp học tập mới, giảng viên cũng học được nhiều từ SVNhiều năm trước, các môn lý luận chính trị luôn được coi là “dũng sỹ diệt SV” bởi số lượng SV thi lại, học lại những môn này luôn chiếm vị trí số 1.

Thậm chí nhiều SV khóa trước còn truyền kinh nghiệm xương máu cho các khóa sau là đến kỳ thi, không nên học mấy môn này vì đằng nào cũng… trượt. Nhưng gần đây, khi một số trường ĐH bắt đầu áp dụng hình thức thi theo đề mở, cho phép SV mang tài liệu tham khảo vào phòng thi thì “gió đã đổi chiều”.

Phải học bài mới biết giở sách

Trước kia có SV đạt điểm 7, 8 Triết học hay Chủ nghĩa Xã hội Khoa học thì trở thành “thần tượng” của cả trường nhưng hiện nay điểm 8, điểm 9 đã xuất hiện ngày càng nhiều.

TS Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng khoa Mác-Lênin và Tư tưởng HCM, HV Ngân hàng khẳng định: “Chất lượng đề thi là yếu tố quyết định đến hiệu quả tích cực của hình thức thi này. Nếu ra đề mở mà cũng giống như đóng thì hoàn toàn phản tác dụng. Phần liên hệ thực tế luôn chiếm 50% tổng số điểm bài thi.”

Ông Dũng cũng cho biết để tránh tình trạng một số SV ỷ lại được mang tài liệu vào phòng thi nên bỏ tiết khá nhiều, không học bài nên đề thi phải đảm bảo trong 90 phút, SV không học bài hoặc học lơ mơ không kịp giở sách để chép mà cũng không thể chép nguyên văn ở chỗ nào.

Chẳng hạn trong đề thi môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của HV Ngân hàng học kỳ II năm học 2007-2008 có 2 câu hỏi đều yêu cầu liên hệ thực tế.

Câu thứ nhất SV phải dùng lý luận và thực tiễn chứng minh luận điểm của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Câu 2 yêu cầu phân tích làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức của người Việt Nam trong thời đại mới và ý nghĩa của quan điểm này đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở nước ta hiện nay.

Với 2 câu hỏi như vậy trong vòng 90 phút, SV phải thực sự hiểu bài và có sự chuẩn bị tương đối tốt, đồng thời phải quan tâm, theo dõi tình hình thời sự đất nước mới có tư liệu phong phú để làm bài.

Còn ở HV Báo chí và Tuyên truyền, đề thi còn có thể kèm theo cả các bài tập tình huống (case study) do chính các giảng viên tự xây dựng thông qua những đợt đi thực tế tại địa phương.

Chẳng hạn như về Tôn giáo có tình huống 2 xã ở cạnh nhau nhưng 1 xã theo đạo Phật, xã kia theo Thiên Chúa Giáo nhưng lại có chung 1 nghĩa trang. Khi xã này muốn xây dựng 1 tượng Phật lớn ở ngay ngoài cổng nghĩa trang thì xã kia gửi đơn kiện tới chính quyền. Với tư cách Chủ tịch UBND huyện, SV tìm cách giải quyết dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa xã hội về tôn giáo.

PGS.TS Đỗ Công Tuấn, Trưởng khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, HV Báo chí và Tuyên truyền cho biết khoa đã xây dựng ngân hàng khoảng 40 đề thi cứng rồi tuỳ từng chuyên ngành mà có sự điều chỉnh cho phù hợp phần “mềm”.

Nghĩa là, cùng một vấn đề, cùng một tình huống đó, SV ngành báo chí, xuất bản sẽ phải giải quyết từ quan điểm truyền thông, SV ngành Chính trị học phải xử lý theo góc độ quản lý nhà nước. Như vậy, SV được phát huy kiến thức tổng hợp của nhiều môn học và hiểu biết thực tế để làm bài.

Giảng viên học từ SV

Hương Trang, SV năm thứ 3 HV Ngân hàng cho biết: “Vì được mang tài liệu vào phòng thi nên bọn em không phải “luyện công” theo kiểu học thuộc lòng rồi ra khỏi phòng thi là quên hết sạch như trước mà tập trung đọc tài liệu để hiểu. Đa số bọn em đều thích cách thi này vì nó giảm nhiều áp lực cho SV.”

Đề bài ra theo dạng mở nên những SV có hiểu vấn đề, tìm được những tư liệu phong phú, độc đáo và lập luận chặt chẽ là có thể đạt điểm khá, giỏi và có thể dễ dàng phân loại SV.

Các SV chỉ biết cóp nhặt, chép lại từ sách vở, tài liệu có thể đạt điểm trung bình để “qua” môn, biết triển khai theo kiểu giải quyết từng phần có thể đạt điểm trung bình khá nhưng nếu biết bổ dọc vấn đề thì thường được điểm cao hơn.

Ông Dũng cho biết dù được mang tài liệu vào phòng thi những nhiều SV vẫn mang cả “phao” mua ở các hàng photocopy vào.Cũng có SV mang quá nhiều tài liệu vào dẫn đến “loạn binh pháp”.

Thậm chí, có SV còn chép cả bài nghiên cứu của các GS trên tạp chí khoa học nhưng khi chấm bài, giảng viên phát hiện ra ngay.

Vì thế, để hình thức thi đề mở này đạt hiệu quả, phương pháp giảng dạy và học tập cũng phải thay đổi tương ứng. Giảng viên phải hướng dẫn SV cách tìm và sử dụng tài liệu phù hợp, cách triển khai lập luận trong bài viết. Giờ học các môn chính trị lý luận không còn là thầy đọc, trò chép những điều mơ hồ trong sách vở nữa.

Nguyễn Hồng Nhung, SV năm thứ 2 Khoa Sư phạm Tiếng Trung, ĐH Ngoại ngữ, (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Các thầy cô thường xuyên kèm các ví dụ thực tế vào bài giảng nên em thấy các môn này không khô khan chút nào. Em không ngờ các môn này lại hay đến thế!”

Phí Bùi Thu Hà, SV lớp Báo In K26, HV Báo chí và Tuyên truyền cho biết trước khi thi Hà đã lên mạng tìm thông tin, tài liệu chuẩn bị, tìm bạn ở các chuyên ngành khác và lập phòng thảo luận trên mạng với bạn bè cùng lớp để trao đổi về bài học.

Không chỉ SV mà giảng viên cũng rất hứng thú với hình thức thi mới này. 

Ông Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: “Trong quá trình giảng, phải định hướng vì SV chưa có trải nghiệm xã hội. Bản thân giảng viên phải am hiểu thực tiễn vì nếu có sự “vênh” giữa lý luận và thực tiễn là SV bắt bẻ lại ngay. Giảng viên phải lập luận, lý giải thuyết phục.”

Ông Đỗ Công Tuấn cho biết tuy chấm bài thi này vất vả hơn nhưng bù lại, trình độ của giảng viên được nâng cao lên rất nhiều. “Nhiều khi đọc bài thi của SV, thấy những số liệu hoặc dẫn chứng cập nhật có nguồn đáng tin cậy, tôi phải ghi lại ngay. Chúng tôi học được từ SV rất nhiều.”

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là thi học phần được mang tài liệu vào nhưng thi tốt nghiệp thì không. Quy định này gây khó khăn cho SV vốn đã quen với hình thức thi và phương pháp học tập mới.

Lan Hương (vietnamnet.vn)

 

Bình luận (0)