Từ việc trao đổi văn bản hành chính tưởng hết sức đơn giản giữa hai cơ quan tư pháp và hành pháp đã khiến vụ kiện bồi thường kéo dài 17 năm vẫn chưa giải quyết xong.
Ông Nguyễn Hữu Trấn (77 tuổi, ngụ tại Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội) nguyên là nhân viên Tổng công ty Xây dựng Bộ Y tế. Năm 1985, ông đến ở và làm việc tại phố Đội Cấn, Q.Ba Đình, TP Hà Nội, là đất của công ty.
Sau đó, ông Trấn làm nhà ở trên mảnh đất nêu trên. Năm 1997, một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khởi kiện ông Trấn để đòi nhà đất nhưng ông Trấn không trả.
Cưỡng chế không đúng luật
Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND Q.Ba Đình và TAND TP Hà Nội đều tuyên buộc ông Trấn phải trả hơn 97m2 nhà và đất ở cho nguyên đơn.
Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Trấn làm đơn khiếu nại gửi đi nhiều nơi. Ngày 7-8-1999, viện trưởng Viện KSND tối cao có công văn gửi đội thi hành án Q.Ba Đình đề nghị cho hoãn thi hành bản án đối với ông Trấn để có thời gian xem xét bản án theo trình tự giám đốc thẩm.
Chỉ hai ngày sau khi có văn bản trên, hội đồng thi hành án Q.Ba Đình đã tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với ông Trấn để thu hồi nhà. Ông Trấn đưa ra quyết định hoãn thi hành án nhưng các chấp hành viên vẫn tiếp tục cưỡng chế.
Tháng 6-2008, sau nhiều năm ông Trấn đi khiếu nại, bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kết luận số 2014 cho rằng việc ông Trấn đưa công văn hoãn thi hành án ra nhưng đội thi hành án dân sự Q.Ba Đình vẫn tiếp tục cưỡng chế là không đúng với quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, đồng thời chỉ đạo thành lập hội đồng bồi thường thiệt hại cho ông Trấn.
Tháng 7-2008, một hội đồng bồi thường thuộc đội thi hành án dân sự Q.Ba Đình lập ra để xem xét giải quyết bồi thường cho ông Trấn.
Đến tháng 6-2013, do không thỏa thuận được số tiền bồi thường, ông Trấn khởi kiện đội thi hành án dân sự Q.Ba Đình ra TAND Q.Ba Đình, đòi trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hơn 7 tỉ đồng.
Cơ quan nọ đẩy cơ quan kia
Thụ lý vụ án, TAND Q.Ba Đình gửi công văn đến Bộ Tư pháp yêu cầu cung cấp tài liệu về kết quả giải quyết đơn khiếu nại của ông Trấn để tòa có căn cứ giải quyết vụ án nhưng không nhận được trả lời nên tháng 9-2015, TAND Q.Ba Đình có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc.
“Từ khi vụ án bị đình chỉ, tôi gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Bộ Tư pháp trả lời vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Q.Ba Đình. TAND Q.Ba Đình lại bảo Bộ Tư pháp chưa trả lời tòa và bảo tôi đến bộ để lấy công văn trả lời.
Cơ quan nọ cứ đẩy cho cơ quan kia, tôi không biết đến bao giờ mới được giải quyết bồi thường” – ông Trấn nói.
Trả lời về lý do tại sao Bộ Tư pháp không trả lời công văn của TAND Q.Ba Đình, ông Nguyễn Hồng Diện – quyền chánh thanh tra Bộ Tư pháp – cho biết kết luận 2014 chính là kết quả giải quyết của Bộ Tư pháp, trong kết luận nêu rõ giao cho Sở Tư pháp Hà Nội, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội là hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
“Nếu như tòa án muốn có hồ sơ xử lý vụ việc thì phải đến hai cơ quan nêu trên để lấy nội dung cụ thể. Còn tòa án muốn có thêm tài liệu để làm rõ quá trình thanh tra thì phải trực tiếp sang làm việc chúng tôi mới cung cấp được” – ông Diện cho biết.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Vân – phó chánh án TAND Q.Ba Đình – cho rằng sở dĩ tòa án phải yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp thêm thông tin vì kết luận 2014 của Bộ Tư pháp chưa thể hiện rõ lỗi của ai và lỗi đến đâu trong vụ việc của ông Trấn nên tòa phải hỏi để có hướng xử lý.
Từ việc trao đổi văn bản hành chính tưởng chừng hết sức đơn giản giữa hai cơ quan tư pháp và hành pháp khiến vụ kiện bồi thường dân sự kéo dài 17 năm vẫn chưa giải quyết xong.
TÂM LỤA/TTO
Bình luận (0)