Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Món ngon đồng hành trên các cung đường miền Trung

Tạp Chí Giáo Dục

Dọc chiều dài từ Thanh Hóa đi hết miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bạn sẽ được thử những món ăn mà chắc chắn sẽ nhớ mãi. 

Từ Bắc vào N​am mỗi vùng miền của đất nước lại có những đặc trưng về ẩm thực riêng mà có lẽ chẳng nơi nào giống nơi nào. Hãy cùng khám phá những món ăn bạn chắc chắn không nên bỏ qua khi đặt chân lên dải đất miền Trung nắng gió mà chan chứa tình người.

Nem chua – Thanh Hoá

Nem chua Thanh Hóa từ lâu đã nức tiếng gần xa. Hầu hết khách du lịch khi đến mảnh đất này đều muốn thử vài chiếc cùng cốc bia mát lạnh hay mua về làm quà cho bạn bè, người thân ở nhà. Nem được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các loại gia vị không thể thiếu như tiêu, tỏi ớt, rồi đem gói với lá chuối chờ cho chín, khi ăn đem chấm cùng tương hay nước mắm đều rất ngon miệng.

Cháo lươn – Nghệ An

Cháo lươn Nghệ An tinh túy và thơm ngon hơn hết thảy nơi đâu bởi chúng được chế biến từ thứ lươn đồng nhỏ mình nhưng chắc thịt và thơm ngon. Cháo lươn xứ Nghệ không chỉ được người dân địa phương yêu thích mà còn làm hài lòng hầu hết những du khách cho dù khó tính đến mấy. Bát cháo lươn vàng óng, đậm đà với các loại gia vị đặc trưng. Lươn được luộc chín xé thịt dọc sợi đem xào cẩn thận quyện với mùi thơm cay nồng chắc chắn sẽ làm bạn nhớ mãi. Ngoài cháo, lươn ở Nghệ An còn được chế biến thành nhiều món ăn khác như nướng, hấp ống vầu, nấu với miến, xào xả ớt…

Ram – Hà Tĩnh

Nếu Quảng Bình ăn ram chỉ đơn thuần với nước chấm, Đà Nẵng ăn ram cuốn chung với lá cải xanh thì Hà Tĩnh lại ăn ram cùng bánh mướt. Bánh mướt là tên gọi khác của loại bánh giống với bánh cuốn ở ngoài Bắc. Người Hà Tĩnh đã khéo léo kết hợp bánh mướt chung với ram. Bên ngoài mát, dẻo vị gạo của bánh mướt, bên trong giòn tan béo ngậy với ram chiên. Khi ăn, cuốn chung các loại rau sống chấm với nước mắm tỏi ớt rất ngon mà chẳng hề ngán chút nào.

Khoai dẻo – Quảng Bình

Đặc trưng của mảnh đất này là nắng và gió, cũng chính nhờ cái nắng chói chang, hơi nước từ biển thổi vào đất liền đã mang lại cho Quảng Bình nhiều món đặc sản có 1 không 2 trong đó không thể không kể đến món khoai dẻo. Khoai thường được chế biến từ khoai lang đỏ, phơi khô khoảng 10 nắng, khi ăn vẫn còn đậm vị ngọt bùi. Món ăn tuy mộc mạc nhưng thấm đượm tâm hồn người Quảng Bình và rất bổ dưỡng.

Cháo vạt giường – Quảng Trị

Cháo vạt giường là món ăn dân dã bạn có thể ăn vào bất cứ lúc nào và tìm thấy ở mọi quán ven đường khi đến mảnh đất hào hùng này. Người dân Quảng Trị không phân biệt mùa lạnh mới ăn cháo, đến đây thậm chí vào 12 giờ trưa nóng nắng đổ lửa bạn vẫn thấy cháo vạt giường được phục vụ. Món cháo này rất đặc biệt, cháo không nấu bằng gạo như ta thường thấy. Một nhúm sợi vạt giường, chút thịt cá lóc thơm ngậy, thêm hành ngò, gia vị và cuối cùng chan nước dùng vào là dùng được. Món ăn nghe lạ tai và có phần lạ miệng này chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.

Cơm hến – Thừa Thiên Huế

Huế là thành phố không chỉ có những cảnh đẹp mà còn là mảnh đất với những món ăn khiến người ta nhớ mãi khi ra về. Có dịp đến Huế, du khách trong nước đến ngoài nước đều tìm và thưởng thức các loại bánh đặc trưng của vùng đất cố đô, bún bò và đặc biệt là cơm hến. Cơm hến dân dã và đơn giản từ nguyên liệu đến cách chế biến. Cơm trắng nấu để nguội xới ra bát, rồi đem xúc lên phần thịt hến, tóp mỡ đã chiên giòn, chút giá đỗ, lạc rang… Hến phải là loại ở cồn Hến mới ngọt mà không tanh, nhỏ xíu, ko thể bóc vỏ từng con mà phải đãi. Những tưởng món ăn đơn giản là vậy thì đâu cũng làm được nhưng có lẽ chỉ ở Huế cơm hến mới đặc biệt được đến vậy. 

Bún mắm – Đà Nẵng

Bún mắm là món dường như xuất hiện từ những con phố lớn cho đến những mọi ngõ ngách của thành phố Đà Nẵng. Bún mắm Đà Nẵng đặc biệt bởi nó được chế biến khá kỳ công. Mắm cá phải là loại mắm cá cơm được muối thật kỹ nhưng lại chỉ được chín vừa tới. Thứ mắm đấy còn được pha chung với các loại gia vị như ớt, tỏi, đường… đã giã nhuyễn rồi thêm vào vài giọt chanh, chút dứa bằm nhuyễn. Bún mắm Đà Nẵng ngày nay khá phong phú có thể ăn kèm với thịt luộc, nem chua, chả beo hay heo quay đều được. Một phần quyết định độ ngon của món ăn này còn phụ thuộc vào các loại gia giảm ăn kèm như rau sống, đu đủ bào, mít non, rau răm, đậu phụng rang… Và nếu bạn đã chót nghiện món ăn này thì đảm bảo bạn sẽ cứ lưu luyến mãi hương vị của nó khi ra về.

Mì Quảng – Quảng Nam

Đến Quảng Nam nếu bạn chưa ăn mì Quảng thì hẳn sẽ là một thiếu sót lớn. Mì Quảng làm từ bánh tráng thái sợi, nhân mì thì đa dạng từ thịt bò, thịt heo, cá lóc… Nhưng chắc chắn cho dù bạn có ăn mì Quảng chay đi chăng nữa cũng không thế thiếu bánh tráng đập vụn, đậu phộng và rau sống. Mì Quảng không chan ngập nước mà chỉ sâm sấp nước vừa đủ. Khi ăn vừa béo ngậy lại vừa thanh mát rất dễ ăn, dễ nghiền.

Nhum biển – Quảng Ngãi

Có dịp đến Quãng Ngãi và nhất là Lý Sơn thì chắc chắn bạn nên thử ăn con nhum biển. Nhum biển có thể chế biến được nhiều món từ kho để ăn cơm, trộn trứng hấp cách thủy, nướng… và thậm chí là ăn sống. Người ta còn làm mắm nhum để chấm bún hay chấm thịt heo ba rọi luộn cuốn bánh tráng. Một nồi cháo nhum cũng sẽ khiến bạn hài lòng.

Bánh hỏi – Bình Định

Bánh hỏi là món ăn truyền thống, dân dã của người Bình Định. Bánh hỏi thoạt nhìn giống những sợi bún siêu nhỏ được làm từ bột gạo, xếp chằng chịt lên nhau, rưới lên trên một chút dầu có lá hẹ xắt nhỏ để điểm màu xanh và hương vị. Bánh hỏi được ăn kèm với thịt nướng hoặc giả cầy hoặc lòng heo đều rất ngon. Người dân địa phương thường ăn món này bất kể bữa nào trong ngày.

Mắt cá ngừ đại dương – Phú Yên

Mắt cá ngừ đại dương là món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến với Phú Yên. Bởi lẽ không chỉ vị hương vị đặc biệt của món ăn này sẽ khiến bạn thích thú mà còn bởi bạn sẽ chẳng có cơ hội thưởng thức món ăn đặc biệt này ở bất cứ nơi đâu ngoài Phú Yên. Mắt cá ngừ có kích thước khá to, cách chế biến mắt cá của người Phú Yên cũng rất đặc biệt và cầu kỳ. Mắt cá sẽ được cho vào một hũ đất nung nhỏ sau đó thêm vào các loại thuốc bắc, rau củ và các loại gia vị theo bí quyết riêng của từng đầu bếp và đem nấu chín. Món ăn này sẽ được giữ nóng trong suốt quá trình bạn thưởng thức với viên cồn nhỏ được đốt cạnh hũ.

Bún sứa – Khánh Hoà

Bún sứa Khánh Hòa là một trong những món ăn dân dã thơm ngon và không kém phần bổ dưỡng. Bún sứa gồm có sứa tai, sứa chân trĩu nước thanh mát còn có thêm cá thu quết dẻo với dầu hành, nước dùng đậm đà vị ngọt từ mắm ruốc và nạc cá thu. Bát bún sứa thanh mát chắc chắn sẽ là món ngon giải nhiệt hoàn hảo cho những ngày hè nóng nực nơi thành phố biển này.

Bánh căn – Ninh Thuận

Đến Ninh Thuận, bạn sẽ dễ dàng gặp các hàng bánh căn ngồi bán ở các vỉa hè. Bánh căn làm từ bột gạo pha nếp và được nướng chín trên khuôn đất nung. Chính chiếc mâm nướng là bí quyết giúp bánh vừa thơm vừa giòn ở lớp vỏ nhưng bên trong lại mềm và xốp. Bánh căn có thể ăn chay, hoặc ăn với nhân trứng, tôm, mực, thịt… tuỳ khẩu vị và rưới lên trên mỡ hành. Khi thực khách gọi món, chủ quán thường mới chế biến để đảm bảo nóng hổi. Bánh căn được bán theo cặp, ăn kèm rau sống, chấm với bát nước mắm nêm pha theo công thức riêng, đậm mùi mắm cái và vị chua dịu của me hoặc khế.

mon-ngon-dong-hanh-tren-cac-cung-duong-mien-trung

Ngoài Ninh Thuận, bánh căn cũng là món ăn quen thuộc ở Khánh Hòa, Bình Thuận… Ảnh: MrTrue

Bánh tráng mắm ruốc – Bình Thuận

Bánh tráng nước mắm ruốc vốn dĩ không mấy xa lạ với các tỉnh miền Trung nhưng ở Bình Thuận người ta lại nướng bánh tráng với một kiểu rất độc đáo. Bánh tráng được trét mắm ruốc rồi thêm trứng cút thái múi cau, nem, chả cá, hành hoa… đem nướng trên than hoa, đến khi chín người chế biến sẽ dùng một thanh tre nhỏ nhanh tay cuộn lại sao cho tất cả nguyên liệu đều nằm gọn trong cái cuốn nhỏ xin mà đầy hấp dẫn đấy rồi tha hồ thưởng thức.

Gỏi lá – Kon Tum

mon-ngon-dong-hanh-tren-cac-cung-duong-mien-trung-1

Nhất định phải thử món ngon này khi đến Kon Tum. Ảnh: Tuấn Linh

Gỏi lá Kon Tum là món ăn mà nếu có dịp đến với mảnh đất này bạn nhất định không được bỏ qua. Gỏi lá với khoảng 40-50 loại lá từ quen thuộc như tía tô, đinh lăng, sung… cho đến những loại vô cùng lạ lẫm đối với du khách nơi khác đến đây như lá chum ruột, lá chua… Ăn kèm với các loại lá là thịt ba chỉ luộc thái mỏng, cá chép thái lát, bì lợn, tôm luộc… Đặc biệt không thể thiếu tiêu nguyên hạt, muối hạt. Khi ăn cũng phải có kiểu cách chứ không thể vơ hết các loại lá vào mà cuộn được. Cuốn các loại lá này thành hình phễu sau đó gắp vào đó các loại thức ăn như tôm rang, thịt ba chỉ, da heo… chấm với một loại nước đặc biệt làm từ bỗng rượu, trứng vịt cùng các gia vị khác. Món ăn này dường như gói gọn hương vị của núi rừng và của cả tấm lòng chân chất của những con người nơi đây.

Nai khô – Đắk Lắk

Thịt nai Đắk Lắk từ lâu đã trở thành một thương hiệu mà hiếm khách du lịch nào có thể làm ngơ khi ghé thăm mảnh đất này. Nai được chế biến thành khá nhiều món nhưng đặc biệt nhất vẫn phải kể đến nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô. Miếng thịt nai cho dù chế biến thế nào vẫn đặc trưng bởi vị ngọt đậm mà chẳng cần đến bất cứ thứ gia vị đặc biệt nào.

Phở khô – Gia Lai

mon-ngon-dong-hanh-tren-cac-cung-duong-mien-trung-2

Phở khô – món ngon đặc trưng của người dân Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hy

Phở khô là món ăn gắn với tên tuổi của phố núi Gia Lai. Khi bạn gọi món, phở được bày ra 2 tô với một tô là sợi phở tròn dẹt làm từ gạo rắc một chút hành khô phi thơm cùng giá trần, thịt nạc bằm, một tô là nước lèo với một vài viên bò, vài miếng bò tái thái lát, hành lá, rau thơm. Khi ăn có thể trộn thêm một loại tương đen của nguời Gia Lai vào và thưởng thức. Phở khô được ăn nhiều trong bữa sáng, nhưng nếu bạn là khách du lịch, có thể ăn bất kỳ lúc nào trong ngày.

Đọt mây – Đắc Nông

Đọt mây và lá bép xào thịt bò hay nấu canh thụt là món ăn truyền thống của người dân ở Đắk Nông. Món ăn này không chỉ xuất hiện trên mâm cơm ngày thường mà còn không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. Lá bép và đọt mây đều là những loại cây rừng phải hái cũng như sơ chế khá kỳ công. Tuy nhiên món ăn này lại vô cùng thơm ngon bởi vị dẻo, ngọt bùi của đọt mây và lá bép, rất hợp để xào chung cùng với các loại thực phẩm thường ngày.

Rượu cần – Lâm Đồng

Rượu cần vốn không xa lạ gì với đồng bào Tây Nguyên nói chung nhưng riêng rượu cần của người Chu Ru ở Lâm Đồng lại là thứ đặc sản khác biệt hoàn toàn so với những nơi khác. Men làm rượu là loại men đặc biệt làm từ các loại cây như Dong Patoi, DongWong… kết hợp với men cái Kzut và gạo lức nên khi uống chỉ say nhưng lại không hề choáng đầu hay đau bụng. Thưởng thức rượu cần trong làn sương lạnh trên cao nguyên, người ta không chỉ thấm cái ngon của rượu mà còn như cảm nhận được cả hơi thở của núi rừng.

Theo Ngoisao/ VNE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)