HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi ôn tập môn văn. Ảnh: Trần Huy |
Làm được một bài văn đạt yêu cầu không phải là một điều đơn giản, nhưng cũng không phải là quá khó. Dưới đây là những lỗi cơ bản thí sinh (TS) thường mắc phải trong các bài thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ.
Sai lỗi chính tả
Lỗi này rất hay gặp trong các bài thi của TS. Ngoài những lỗi chính tả do cách viết cẩu thả, TS mắc phải lỗi viết sai do cách hiểu sai. Nhiều TS thường bị nhầm lẫn giữa “x” với “s”, “l” với “n”, “ch” và “tr”, không biết lúc nào nên dùng “d”, lúc nào dùng “r”, “gi”, trường hợp nào thì dùng “g”, “gh”. Trong cách dùng từ, TS hay dùng từ thiếu chính xác, không viết hoa tên riêng nhân vật, địa danh, sử dụng từ không đúng nghĩa với hoàn cảnh, thậm chí còn trái nghĩa hoàn toàn. Câu cú lủng củng, đặt dấu chấm, phẩy không đúng chỗ, có câu thì lại quá dài, lan man… Lỗi này rất dễ mắc phải và cũng là lỗi TS dễ bị mất điểm nếu gặp phải những giám khảo khó tính. Bởi lẽ, cách sử dụng tiếng Việt còn không chính xác thì làm sao có thể làm được một bài văn hay?
Để khắc phục lỗi này, TS nên sử dụng những từ thông dụng trong đời sống hoặc những từ mà mình đã dùng qua và được người khác chấp nhận.
Lỗi về cách trình bày
Trong bài làm văn, cách trình bày của TS thường không rõ ràng, thiếu những ý cơ bản, diễn đạt rối rắm, lộn xộn. Nhiều TS diễn giải dài dòng nhưng không thoát được ý, không làm nổi bật được ý cần diễn đạt. Bài làm còn rất sơ sài, thiếu phần mở bài hoặc kết bài. Thông thường, cách mở bài phổ biến là giới thiệu về tác giả, sau đó mới dẫn dắt vấn đề nhưng nhiều TS lại quá thiên vào phần giới thiệu tác giả, dẫn dắt những chi tiết không cần thiết. Những kiểu mở bài như vậy không chiếm được cảm tình của giám khảo, có khi còn mất điểm nếu dẫn dắt vấn đề không đạt yêu cầu.
Khắc phục nhược điểm này không phải là khó. Trước khi bắt tay vào làm bài thi, TS nên dành khoảng 2-3 phút vạch ra những ý cơ bản, sắp xếp ý nào trước, ý nào sau. Sau đó, trong quá trình làm bài tiếp tục triển khai các ý đã vạch sẵn. Để cho bài văn hấp dẫn được người đọc, ngoài những dẫn chứng cụ thể, trong bài văn nên đặt câu hỏi mang tính chất trả lời như “Phải chăng…?”, “Liệu có phải…?”, “Hay…?”. Sau đó, TS tự diễn giải trả lời những câu hỏi đó theo suy nghĩ của riêng mình. Thông thường, các giám khảo chấm thi môn văn rất ấn tượng với những câu hỏi và cách diễn giải như trên (nếu đi đúng trọng tâm của bài).
Về phần mở bài và kết bài, tuy chưa phải là phần trọng tâm của bài văn nhưng chúng lại là phần dễ “gỡ điểm”.
Sai lỗi về kiến thức
Lỗi này bao gồm: nhầm lẫn tên tác giả – tác phẩm, nhân vật, giai đoạn văn học, hiểu sai nội dung tác phẩm, trích dẫn sai dẫn chứng hoặc lấy dẫn chứng không thực sự cần thiết… Vì vậy, có ít bài văn khi giám khảo chấm thi đã phải “dở khóc, dở cười” với cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, để rồi sau đó lại phải ngậm ngùi gạch bỏ không chút nương tay.
Nguyên nhân cơ bản của lỗi này là do TS không tìm hiểu kĩ tác phẩm. Thậm chí có TS còn chưa từng đọc tác phẩm mà chỉ tiếp thu qua bài giảng trên lớp hoặc đọc qua sách tham khảo. Do đó, để nắm rõ nội dung và cảm thụ sâu sắc tác phẩm, TS nên đọc tác phẩm ít nhất hai lần, lọc ra những chi tiết cần thiết, nắm rõ tên tác giả, tác phẩm, tên nhân vật… Khi lấy dẫn chứng, không nhất thiết phải dẫn trực tiếp, chỉ cần cho vào ngoặc kép một vài từ trọng tâm nhất của câu. Nếu không nhớ rõ chi tiết, thay vì cho dẫn chứng vào ngoặc kép, TS nên diễn giải theo cách riêng của mình. Lưu ý không diễn giải quá sâu sắc làm mất đi ý tứ của nhà văn.
Tiến sĩ Trần Thị Mai Nhân
(Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM)
Bình luận (0)