Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Môn ngữ văn: Đề mở – rèn luyện theo hướng mở

Tạp Chí Giáo Dục

Khi ra đề mở, GV phải tôn trọng cái tôi chủ thể sáng tạo bài làm của HS về ý tưởng, tình cảm, kiến thức văn học… (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
Đổi mới phương pháp dạy tập làm văn (TLV) theo hướng mở sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng dạy và học môn ngữ văn. Tuy nhiên, việc ra đề TLV theo nội dung và phương pháp của SGK cũ đã hạn chế sự sáng tạo của học sinh (HS).
Nhìn lại đề TLV truyền thống, chúng ta thấy có một số ưu điểm như chú trọng kiểm tra vốn văn học, tình cảm, đạo đức và nhận thức về đời sống xã hội của HS. Ngoài ra đề TLV truyền thống thường đảm bảo 3 tiêu chí: có yêu cầu về nội dung chính – đề tài – chủ đề của bài làm; có định hướng kiểu bài làm; giới hạn phạm vi kiến thức văn học, nhận thức về đời sống xã hội. Bên cạnh đó, đề TLV truyền thống còn góp phần khơi gợi sự hứng thú học tập bộ môn ngữ văn, tình yêu tiếng Việt cũng như bồi dưỡng năng khiếu cho những HS giỏi văn.
Tuy nhiên, đề truyền thống vẫn bộc lộ những hạn chế, nhất là khi có bộ SGK mới.
1. Do đã quá quen thuộc, không đổi mới nội dung và phương pháp ra đề nên đề TLV truyền thống không tạo điều kiện cho HS phát huy tính độc lập suy nghĩ, chủ động sáng tạo khi làm bài, không phân loại được năng lực HS mà chỉ dừng lại ở những nội dung kiểm tra HS về kiến thức văn học, tình cảm đạo đức, về nhận thức đời sống xã hội. Đây là loại đề “đóng” (chữ dùng của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống). Nhiều giáo viên còn thừa nhận, đề TLV truyền thống đã tạo ra hệ lụy bài mẫu tràn ngập ở sách tham khảo, trên mạng internet, trong tài liệu ôn tập của thầy cô nên HS đã hình thành một phương pháp học tập không đúng: học và ôn tập không từ tác phẩm văn học, từ SGK mà từ bài mẫu.
Đề TLV theo hướng mở, không ngoài mục đích giúp HS phải biết vận dụng tổng hợp kiến thức kỹ năng và biểu đạt của bản thân nhằm phát huy năng lực sáng tạo, hướng dẫn HS biết cách đánh giá năng lực của mình. Đề TLV theo hướng mở đã được gợi ý trong SGK và ra trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ví dụ: Lớp 6: Văn kể chuyện, bài viết số 2 – Kể về một việc tốt mà em đã làm (sách Ngữ văn (NV) lớp 6 tập I trang 199); văn tả người, bài viết số 6 – Em hãy tả lại một người nào đó tùy theo ý thích bản thân mình (sách NV6.II, tr 94). Lớp 7: Văn tự sự và miêu tả, bài viết số 1 – Kể cho bố mẹ một câu chuyện lý thú (hoặc cảm động, hoặc buồn cười,…) mà em đã gặp ở trường(sách NV7.I, tr 44); văn nghị luận, bài viết số 4 – Chớ nên tự phụ (sách NV7.II, tr 21). Lớp 8: Văn tự sự, bài viết số 1 – Tôi thấy mình đã khôn lớn(sách NV8.I, tr 37); văn nghị luận, bài viết số 6 – Dựa vào các văn bản Chiếu dời đôHịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước (sách NV8.II, tr 85). Lớp 9: Văn thuyết minh, bài viết số 1 – Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em (sách NV9.I, tr 42); nghị luận văn học, bài viết số 7 – Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (sách NV9.II, tr 99)…
Đề TLV theo hướng mở luôn bám sát nội dung chương trình SGK về tác phẩm văn học, giai đoạn văn học, kiểu làm bài đang học, có thể sử dụng linh hoạt kiến thức văn học có liên quan chương trình SGK bài trước, lớp trước nhưng đề phải phù hợp thực tế trình độ, năng lực ngữ văn của HS; có mối quan hệ tích hợp gắn bó với các phân môn tiếng Việt, văn trong khung phân phối chương trình. Đề bám sát tâm sinh lý lứa tuổi, tình cảm đạo đức, điều kiện sống và thực tế cuộc sống HS…
2. Đổi mới phương pháp ra đề TLV cần đặt trong mối quan hệ đổi mới phương pháp dạy văn học mà “khởi điểm là dạy HS đọc hiểu trực tiếp văn bản văn học của nhà trường” (GS. Trần Đình Sử). Đề TLV theo hướng mở có kết quả mĩ mãn khi HS có những rung động sâu xa về tác phẩm văn học cùng với những tình cảm cao đẹp trong cuộc sống. Ra đề TLV theo hướng mở phải được đặt trong một hệ thống khép kín của việc dạy phân môn TLV: hình thành khái niệm kiểu bài TLV theo hướng mở; luyện tập các thao tác làm bài văn theo hướng mở và chấm trả, sửa bài làm văn theo hướng mở. Đồng thời ở các phân môn tiếng Việt, văn thường xuyên ra đề kiểm tra, và thực hành theo hướng mở. Hết sức tôn trọng cái tôi chủ thể sáng tạo bài làm của HS về ý tưởng, tình cảm, kiến thức văn học, vốn sống cũng như kết cấu bài làm, ngôn ngữ diễn đạt. Coi trọng việc xây dựng đáp án biểu điểm của đề theo tinh thần thoáng, mở, khái quát, tránh sa vào những chi tiết cụ thể, tỉ mỉ. Cần dự đoán được phương hướng mở về nội dung, hình thức bài làm của HS có thể gặp. Quan niệm thông thoáng, rộng mở về phạm vi chương trình ngữ văn bao gồm: Những kiến thức văn học có liên quan xa gần đến văn bản văn học của nhà trường (về hoàn cảnh xã hội sản sinh tác phẩm, giai đoạn văn học, tác giả…). Sự liên thông giữa các kiểu bài làm văn HS đã học, sự tích hợp linh hoạt giữa ba phân môn tiếng Việt, văn, TLV ở mỗi lớp học và toàn cấp học. Sử dụng nguyên văn đề TLV mở của SGK nếu thấy thích hợp, có thể điều chỉnh đề của SGK theo hướng khó hơn hoặc dễ hơn, điều chỉnh ngôn từ của đề văn phù hợp tình hình thực tế học sinh. Vẫn sử dụng đề truyền thống ở tỷ lệ cần thiết trên cơ sở trình độ học lực và thực tế cuộc sống HS theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, tiến tới ra đề TLV mở thay thế đề TLV truyền thống.
Hùng Phi Chường
(GV Trường THCS-THPT Đức Trí, TP.HCM)

Đề TLV theo hướng mở có đặc điểm nổi bật là khơi gợi được năng lực độc lập sáng tạo trong nội dung và hình thức làm bài về cảm nhận văn học, bộc lộ tình cảm hồn nhiên, trong sáng, đạo đức đúng đắn… của HS.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)