Y tế - Văn hóaThư giãn

Món quà đặc biệt của họa sĩ Trương Văn Ý tặng sân khấu cải lương

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 100 bức chân dung các tài danh sân khấu được xem như món quà đặc biệt mà họa sĩ Trương Văn Ý và nhà sưu tập Trương Văn Thuận dành tặng cho sân khấu cải lương.

Họa sĩ Trương Văn Ý và nhà sưu tập Trương Văn Thuận. Ảnh: NVCC

Triển lãm mỹ thuật Chân dung nghệ sĩ cải lương qua nét vẽ của họa sĩ Trương Văn Ý diễn ra tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) từ ngày 17-19.12, nằm trong hoạt động chung của sự kiện Triển lãm nghệ thuật nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương của Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM.
Triển lãm trưng bày 111 bức tranh chân dung của các soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ… sân khấu cải lương, được họa sĩ Trương Văn Ý (83 tuổi, nguyên Giám đốc trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định trước năm 1975) vẽ trên chất liệu sơn dầu từ năm 2014 đến nay.
Nhà sưu tập, Thạc sĩ, Luật sư Trương Văn Thuận (TP.HCM), người đứng ra tổ chức triển lãm bộ sưu tập này, đã dành cho Thanh Niên những chia sẻ chân tình về mối  "duyên nợ" với bộ tranh chân dung đặc biệt có ý nghĩa khi được ra mắt công chúng vào dịp sân khấu cải lương kỷ niệm 100 năm tuổi.
*Xin được hỏi nhà sưu tập Trương Văn Thuận, "duyên nợ" giữa ông với bộ sưu tập đã đến như thế nào?
-Nhà sưu tập Trương Văn Thuận: Tôi và họa sĩ Trương Văn Ý quen biết nhau từ nhiều năm nay. Năm 2011, tôi đã từng tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Hội tụ mùa thu” cho một nhóm họa sĩ lớn tuổi, trong đó có họa sĩ Trương Văn Ý tại TP.HCM.
Cách nay vài năm, tôi được biết họa sĩ Trương Văn Ý vẽ chân dung một số bạn cùng thời với ông, trong đó có một số nghệ sĩ sân khấu. Đầu năm 2017, ông tâm sự với tôi và một số anh em (những người liên quan đến hội họa và sân khấu) về ý định tổ chức một cuộc triển lãm bộ chân dung nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Ông đã tìm gặp một số tổ chức và cá nhân kêu gọi tài trợ, giúp đỡ về kinh phí thực hiện, nhưng ông đều gặp những cái lắc đầu ái ngại hoặc không hồi âm.
Giữa năm 2018, ông bộc bạch với tôi và đề nghị tôi giúp kinh phí, đứng ra tổ chức triển lãm bộ chân dung nghệ sĩ của ông.“Duyên nợ” giữa tôi với bộ sưu tập sẽ triển lãm lần này là như thế…
*Cảm xúc của ông khi tiếp xúc với bộ sưu tập này thế nào?
Xem bộ tranh chân dung, với hơn 100 bức, chưa nói đến chất lượng nghệ thuật, mà mới chỉ nói đến tình cảm, tấm lòng của một người họa sĩ già với sân khấu nói chung và với sân khấu cải lương nói riêng, đáng để tôi nể trọng. Nhìn dáng đi chậm chạp, giọng nói yếu ớt, run run của ông, tôi đã gật đầu hứa giúp ông thực hiện ước nguyện.
Bộ chân dung có thể chưa đủ hết những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu, nhưng họ đều là những người đã đóng góp công sức cho sân khấu cải lương nước nhà. Những đào kép tài danh, vang bóng một thời nay đã bước sang tuổi xế chiều – người còn, người mất. Đây là cuộc triển lãm mang đầy lòng trắc ẩn, nhân văn… Những người thân của các nghệ sĩ, người hâm mộ có thể chiêm ngưỡng chân dung và tài năng của cha ông mình, để ghi nhận một thời vàng son của sân khấu cải lương.
Chân dung NSND Út Trà Ôn được họa sĩ Trương Văn Ý vẽ năm 2015

Chân dung NSƯT Út Bạch Lan được họa sĩ Trương Văn Ý vẽ năm 2016

*Được biết họa sĩ Trương Văn Ý đã thực hiện bộ tác phẩm này từ năm 2014, ông có biết vì sao họa sĩ quyết định thực hiện các tác phẩm chân dung các nghệ sĩ, soạn giả… trong lĩnh vực sân khấu?
– Có lần họa sĩ Trương Văn Ý tâm sự với tôi, năm 1973, khi đang là Giám đốc trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định, vừa tu nghiệp về Hội họa ở Nhật về, ông được họa sĩ Đặng Hoài Nam (bạn học Mỹ thuật với ông, lúc bấy giờ đang thiết kế sân khấu cho Đoàn hát Út Bạch Lan – Thành Được) giới thiệu để ông thiết kế phục trang cho đoàn này.
Sau năm 1975, ông và họa sĩ Đặng Hoài Nam mất liên lạc với nhau, mãi đến những năm 1990 họ mới gặp lại nhau (khi ấy họa sĩ Đặng Hoài Nam đang ở nhà dưỡng lão của Nghệ sĩ). Sẵn cảm xúc với bạn, họa sĩ Trương Văn Ý đã vẽ tặng Đặng Hoài Nam bức chân dung sơn dầu trên toan. Trong một cuộc triển lãm cá nhân, họa sĩ Trương Văn Ý đã mượn bức chân dung để trưng bày và được nhiều nghệ sĩ biết đến. Rồi sau đó nhiều bức chân dung nghệ sĩ được họa sĩ Trương Văn Ý thể hiện.
Ý tưởng vẽ chân dung các nghệ sĩ cải lương để chuẩn bị cho cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý cứ lớn dần và đã được nhiều bạn hữu ủng hộ. Và ông đã vẽ chân dung nhiều soạn giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ thiết kế, nghệ sĩ… không những của sân khấu cải lương mà cả những lĩnh vực sân khấu khác.
* Họa sĩ Trương Văn Ý đã vẽ các bức chân dung bằng cách nào, từ những hình ảnh có sẵn, qua ký ức hay hình mẫu thật? Họa sĩ Ý có chia sẻ tâm tư với ông điều gì trong quá trình thực hiện các tác phẩm không?
– Ông vẽ chân dung các nghệ sĩ đều theo cảm hứng, không đòi hỏi gì về kinh phí, ai thích lấy tranh, trả bao nhiêu cũng được. Ban đầu, ông vẽ những người ông tiếp xúc, quen, thân, yêu mến; ông ký họa rồi vẽ lại bằng sơn dầu trên toan. Cũng như nhiều họa sĩ khác, ông sáng tác (vẽ chân dung) qua những hình ảnh có sẵn, qua ký ức và cả mẫu thật.
Khi có ý tưởng vẽ các nghệ sĩ sân khấu phục vụ triển lãm, ông tìm hiểu thông tin về nghệ sĩ, rồi tìm gặp các nghệ sĩ để nói chuyện, bắt được “thần” để vẽ. Với các nghệ sĩ tiền bối đã qua đời, ông tìm hiểu thêm thông qua các bài viết, hình ảnh trên sách, báo, truyền hình… để thực hiện tác phẩm.
Chân dung họa sĩ Hoài Nam (vẽ năm 2017)

Chân dung soạn giả Trần Hữu Trang (vẽ năm 2015)

Chân dung NSND Phùng Há (vẽ năm 2015)

* Ông cảm thấy điều gì thú vị và có giá trị nhất trong bộ sưu tập này?
– Điều tôi thấy thú vị nhất là họa sĩ Trương Văn Ý đã nghĩ ra và thực hiện ý tưởng vẽ bộ chân dung nghệ sĩ của mình rất kỹ lưỡng, cẩn thận, chu đáo trước một thời gian dài chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.
Vì sao ông quyết định đứng ra thực hiện cuộc triển lãm lần này?
– Họa sĩ Trương Văn Ý là một họa sĩ tài năng, thế nhưng hoàn cảnh của ông thì muôn vàn khó khăn (vợ ông bị liệt toàn thân sau một tai nạn từ mười mấy năm nay).
Hoàn cảnh như vậy nhưng ông vẫn thực hiện tâm nguyện đóng góp công sức của mình bằng việc thực hiện bộ chân dung nghệ sĩ để tô đẹp thêm cho nền văn hóa dân tộc, thì với tôi (là người yêu đất nước này, văn hóa này, yêu nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng), việc đóng góp công sức để tri ân với các thế hệ nghệ sĩ tiền bối và tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ cải lương đã vun đắp những tinh hoa, thành tích cho nền văn hóa nước nhà là điều dễ hiểu và nên làm.
Đây được xem như món quà mà chúng tôi dành tặng sân khấu cải lương, là lời tri ân với các nghệ sĩ tiền bối và tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ cải lương đã vun đắp những tinh hoa cho nền văn hóa nước nhà;
Theo Tố Tâm/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)