Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Món quà mùa hè nhiều màu sắc

Tạp Chí Giáo Dục

Hè năm nay, nhiều tác giả trong nước đã nhập cuộc với văn học thiếu nhi, cho ra mắt nhiều tác phẩm đặc sắc dành cho độc giả nhỏ tuổi. Có tác phẩm được vinh danh tại giải Dế Mèn năm 2022, có tác phẩm tìm về thể loại đồng thoại như một sự tiếp nối… Tất cả làm nên món quà mùa hè nhiều màu sắc. 

Hai tác giả Huy Thông và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy  tại lễ trao giải Dế Mèn năm 2022

Hai tác giả Huy Thông và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tại lễ trao giải Dế Mèn năm 2022

Từ giải Khát vọng Dế Mèn 

Ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm ngoái ở Hà Nội, nhưng truyện dài Cơ Bản là Cơ Bản (NXB Kim Đồng) của Huy Thông chọn đại dịch như một cái cớ để từ đó mở ra chuỗi ngày đầy màu sắc của cậu bé 12 tuổi có tên Cơ Bản. Những ngày tháng ấy, cùng với học sinh cả nước, Cơ Bản cũng phải ở nhà học online. 

Việc không phải đến trường, ban đầu khiến Cơ Bản và nhiều cô cậu học trò khác thích thú nhưng dần dần nảy sinh những câu chuyện dở khóc dở cười. Thêm vào đó, Cơ Bản còn phải làm thơ giúp mẹ… bán hàng online. Tác giả đã cho thấy khả năng quan sát, chọn lọc tỉ mỉ và tinh tế. Nhưng có lẽ, thú vị và hấp dẫn nhất ở Cơ Bản là Cơ Bản chính là chuỗi ngày nhân vật chính được trở về quê nội. Đó đích thực là hành trình phiêu lưu và khám phá không chỉ vùng đất, con người mà cả văn hóa Mường. Tác phẩm này vừa được vinh danh giải Khát vọng Dế Mèn năm 2022. 

Cùng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn năm 2022 là truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng (Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam) của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Như một chuyến tàu ngược về quá khứ, tác giả dẫn dắt người đọc trở về vùng quê trung du phía Bắc, giai đoạn những năm đầu đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Bằng giọng văn hóm hỉnh, duyên dáng, Diệu Thủy như đang kể câu chuyện của chính mình thông qua các nhân vật Thủy, Linh, Kiên và một nhân vật đặc biệt là cô chó có cái tên mỹ miều – Lệ Dung. 

Đương nhiên, Đu đưa trên ngọn cây bàng không dành riêng cho người từng là trẻ thơ, mà còn cho chính các em nhỏ. Bởi lẽ, có những giá trị đã trở thành bất biến. Từ chuyện ba bạn nhỏ Thủy, Linh, Kiên cùng nhau kiếm tiền để tặng mẹ của Thủy chiếc áo dài hay cùng nhau lên kế hoạch bảo vệ hạnh phúc gia đình Kiên, chia sẻ nỗi đau mất mẹ của Linh… tác giả đã cho thấy lòng trắc ẩn thời nào cũng có và cũng cần, để con người không quên dành cho nhau những ân cần, thương yêu. 

“Đặc sản” truyện đồng thoại 

Được xem là “đặc sản” của văn học thiếu nhi Việt Nam, đã có không ít tác giả thành danh với thể loại truyện đồng thoại như Tô Hoài, Trần Hoài Dương, Vũ Tú Nam… hay gần đây là Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh. Tuy vậy, với Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch (NXB Trẻ), Nguyễn Khắc Cường tỏ ra có duyên và có thể thành công với thể loại này nếu tiếp tục gắn bó.

Joni là giống mèo có xuất xứ từ Ba Tư, sống ở Nga trước khi theo chủ đến Việt Nam. Vì quy định của hàng không, người chủ đành phải để lại Joni và chú trở thành thành viên trong một gia đình đang sinh sống tại TPHCM. Từ giống mèo “sinh ra là để được cưng chiều”, Joni không thích bất cứ ai đụng vào mình, không thích bắt chuột, chẳng mê cá, lười vận động, chỉ nghiện ăn hạt… nhưng dần dần, trước hoàn cảnh mới buộc chú phải hòa nhập với những người bạn “bản địa” như chú chó Công Chúa, chú mèo Xúc Xích, mèo hoang Xám Vện, Munchkin… Và đặc biệt, sống ở nơi không được phép nuôi chó mèo nên Joni cũng trải qua nhiều phen sóng gió cũng như gây nên mối bất hòa trong cộng đồng cư dân ở chung cư. Tác giả mang đến một thông điệp đầy nhân văn: “Đã đến lúc mọi người phải đối xử công bằng với thú vật, chỉ những con nào gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định an toàn thì chủ của nó mới bị phạt thôi”. 

Sinh ra tại Pháp nhưng có mẹ là người Việt (bà Đậu Thị Cúc), những năm gần đây, Isabelle Muller là tên tuổi quen thuộc với độc giả trong nước khi 2 tác phẩm: Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng và Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi lần lượt ra mắt. Hè năm nay, Isabelle Muller mang đến món quà dành cho các em nhỏ với tác phẩm Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby (NXB Tổng hợp TPHCM). Câu chuyện xoay quanh tình bạn khăng khít giữa chú chó Titus và chú bọ chét nhỏ Hip Hop. Một ngày nọ, chú chó Titus đột ngột qua đời, Hip Hop quyết tâm lên đường tìm người bạn đã khuất của mình chỉ với mong muốn gặp mặt lần cuối cùng để kịp nói lời từ biệt. 

Không ngần ngại đề cập đến cái chết hay chủ đề vĩnh biệt mà nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi có ý tránh né, Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby của Isabelle Muller mang ý nghĩa xoa dịu cho những tâm hồn bé nhỏ trước mất mát, buồn đau. Ngoài tiếng Việt (do Trương Hồng Quang chuyển ngữ), tác phẩm còn được in kèm tiếng Đức và tiếng Anh như một món quà dành cho các em nhỏ quan tâm đến 2 ngôn ngữ này.

Theo Hồ Sơn/SGGPO

 

Bình luận (0)