Từ trước tới nay, nhiều bạn nghĩ môn sinh học chỉ đơn thuần là môn học thuộc bài, nhưng tôi thấy đây là môn đa ngành nên cần hiểu nhiều hơn là học. Điều quan trọng nhất vẫn là nắm vững kiến thức trong SGK, vì đây là môn tự nhiên, học hiểu chứ không phải là học thuộc. Chẳng hạn như chương di truyền, chúng ta cần biết cách vận dụng kiến thức giải toán về xác suất thống kê, chương tiến hóa thì nên lập bảng so sánh các thuyết tiến hóa trong từng giai đoạn, còn chương sinh thái đòi hỏi những kiến thức thực tế từ bên ngoài.
Ngoài ra chúng ta không nên chia rẽ từng phần trong SGK mà phải tổng hợp thành một bảng hệ thống mới xâu chuỗi được các kiến thức liên quan và dễ hiểu bài hơn. Ví dụ, trong chương di truyền, tôi học theo cách đi theo các trình tự từ cấu trúc của gen rồi suy ra những kiến thức liên quan như nguyên phân, giảm phân, điều hòa hoạt động gen… rồi đến nhiễm sắc thể, tính trạng; trong tính trạng lại liên quan đến các quy luật di truyền, đột biến… Ở chương tiến hóa có các phần học thuyết tiến hóa thì tôi lập bảng so sánh các học thuyết tiến hóa với nhau giữa Lamac, Đacuyn, hiện đại, Kimura cùng với các nhân tố tiến hóa, vì đây là phần trọng tâm của chương này.
Trong môn sinh học lớp 12, phần bài tập nhiều nên tôi học thuộc công thức và hiểu rõ cơ chế, lý thuyết để vận dụng vào cách giải; học kỹ chương nguyên phân, giảm phân ở lớp 10 để giải các bài tập. Ngoài ra, tôi còn xem kỹ toán xác suất thống kê để ứng dụng vào bài tập phả hệ của chương di truyền.
Tôi được biết, thi tốt nghiệp năm nay có 50% câu hỏi là vận dụng các bài tập nên các bạn cần chủ động, có kế hoạch ôn luyện cho mình, đừng chăm chăm giải những đề thi năm trước sẽ không có hiệu quả lắm. Nếu ôn tập kỹ kiến thức trong SGK thì tôi nghĩ chỉ làm được khoảng 50% đề thi, vì đề không đơn thuần chỉ là lý thuyết mà quan trọng là biết cách vận dụng và tính toán.
Trần Nguyễn Diễm Hương
(HS lớp 12 chuyên sinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đoạt giải 3 quốc gia môn sinh học năm học 2010-2011)
Bình luận (0)