Tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa – du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển” tổ chức mới đây, Th.S Nguyễn Thị Trang (bộ môn tâm lý – giáo dục Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng đang có sự mất cân đối giữa khối lượng kiến thức, kỹ năng cần trang bị với tổng số tiết lên lớp ở môn tâm lý học du lịch tại Trường ĐH Sài Gòn. Theo bà Trang, phân phối chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ cho thấy số tiết lên lớp của mỗi môn tính theo tín chỉ giảm từ 1/3 đến 1/2 so với đào tạo theo niên chế. Về lý thuyết, 1 tiết lên lớp cần tương ứng 4 tiết tự học mới đạt hiệu quả (trong đó gồm đọc, nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị trả lời câu hỏi, giải quyết tình huống giả định có liên quan đến bài học, thảo luận nhóm…). Thực tế, quỹ thời gian của sinh viên khó đáp ứng được yêu cầu này vì số lượng môn học trong tuần của họ khá nhiều, vả lại sinh viên thiếu kỹ năng và thói quen tương ứng với yêu cầu của đào tạo. Bà Trang đơn cử, môn tâm lý học du lịch hiện nay chỉ còn 30 tiết lên lớp (gồm cả kiến thức tâm lý học đại cương lẫn tâm lý học chuyên ngành văn hóa – du lịch), lượng kiến thức này được xem là “khổng lồ” trong khi thời gian cho phép quá ít. Điều này tạo áp lực lớn trong việc lựa chọn những nội dung cơ bản, cần thiết đáp ứng yêu cầu đào tạo đồng thời gây khó cho giảng viên khi tổ chức các hoạt động để sinh viên vừa lĩnh hội được tri thức vừa phát triển hài hòa nhân cách.
Hiện nay, nhiều trường ĐH – CĐ có dạy môn tâm lý học du lịch đều phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo trình, trang thiết bị cũng như chưa có giáo trình chính thức hay phù hợp trình độ. Thực tế có giáo trình đã được phê duyệt nhưng chỉ dành cho bậc trung học chuyên nghiệp. Do đó, để cải thiện chất lượng giảng dạy cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đào tạo môn tâm lý học du lịch, ngoài việc khắc phục những hạn chế trên còn rất cần sự nỗ lực đổi mới, thích nghi… từ phía người dạy lẫn người học.
M.TÂM
Bình luận (0)