Được xem là môn “khó nhằn” với nhiều học sinh. Tuy nhiên, để chinh phục bộ môn này trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, học sinh cần “nằm lòng” các bí kíp sau:
Nắm vững các cấu trúc ngữ pháp chính
Với môn tiếng Anh, các em cần quan tâm hai vấn đề lớn là từ vựng và ngữ pháp. Đặc thù của bộ môn, kiến thức không có sự tách biệt hoàn toàn trong 3 chương trình mà chương trình 12 chỉ nặng hơn về mặt ngữ pháp và từ vựng.
Học sinh 12A4 trường THPT Hùng Vương ôn tập tiếng Anh |
Về mặt từ vựng, các em nên cố gắng ghi nhớ những từ vựng trong chương trình 12, theo những chủ đề quen thuộc trong SGK. Trong đó, cần quan tâm đến ngữ âm (trọng âm và cách phát âm) của từ, phân biệt cách phát âm cuối ed và s/es và những trường hợp ngoại lệ để tránh nhầm lẫn. Chú ý các dạng thức từ: danh từ, tính từ và động từ, phân biệt được các loại từ này để áp dụng được trong những bài tập điền từ. Ở phần từ vựng, học sinh cũng cần phải chú ý thêm về các từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Với từ trái nghĩa, các em cần phải nhận biết được những tiền tố tạo nên từ trái nghĩa.
Ở mặt ngữ pháp, học sinh cần đặc biệt nắm chắc các điểm ngữ pháp quan trọng thường xuyên ra trong đề thi:
Câu điều kiện: Nhìn một vế của câu điều kiện có thể xác định được câu điều kiện này thuộc loại 1, loại 2 hay loại 3 để xác định vế còn lại của câu.
Mệnh đề quan hệ: Nắm được cách sử dụng 2 loại mệnh đề quan hệ, cách dùng các đại từ quan hệ, chú ý phân biệt các đại từ who, whom, whose do hay nhầm lẫn.
Câu bị động, câu so sánh tính từ và trạng từ.
Câu trực tiếp, gián tiếp: Chú ý đến những sự thay đổi về thời gian, địa điểm để lùi thì của đại từ nhân xưng.
Cách sử dụng các thì trong tiếng Anh: Đây là phần kiến thức ngữ pháp cơ bản nhất, xuyên suốt cả chương trình THPT. Trong phần này, học sinh cần nắm cấu trúc ngữ pháp của từng thì, các dấu hiệu nhận biết, cách chia thì căn cứ vào trạng từ chỉ thời gian, ngữ cảnh… Lưu ý với những thì quen thuộc như thì Hiện tại, thì Quá khứ, thì Hiện tại hoàn thành, thì Tương lai.
Giới từ và thành ngữ: Nắm vững cách dùng những giới từ, thành ngữ cơ bản.
Khi nắm chắc từ vựng và những điểm ngữ pháp trên, đã đảm bảo học sinh làm được bài thi trên 5 điểm.
Bên cạnh đó, đối với đề thi ngoại ngữ, học sinh cũng lưu ý với những bài đọc hiểu. Trong phần này, sẽ có những bài đọc hiểu ở mức độ thông hiểu nhưng cũng có những bài lại ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi kỹ năng về vốn từ cũng như ngữ pháp của học sinh để có thể hiểu được bài đọc hiểu. Những bài đọc hiểu có thể sử dụng các chủ đề nằm trong SGK nhưng cũng có bài lại sử dụng các chủ đề mở, gắn liền với chủ đề về thời sự như môi trường, giáo dục, công nghệ, nghề nghiệp… Lời khuyên khi làm các bài tập đọc hiểu là học sinh nên đọc lướt qua bài để nắm ý chính, tìm ra các câu chủ đề của toàn bài. Các câu hỏi trong bài đọc hiểu thông thường sẽ được hỏi theo thứ tự diễn biến của đoạn văn đọc hiểu. Điều quan trọng nhất đối với bài đọc hiểu chính là vốn từ. Do vậy, với những học sinh xét ĐH, các em cần không ngừng mở rộng vốn từ của mình.
Một dạng bài mà học sinh cũng thường “gặp khó” trong đề đó là các bài đọc điền từ. Các em nên chú ý đến những từ loại, đặc biệt cân nhắc khi chọn từ đặt trong bối cảnh câu sao cho có ý nghĩa về mặt cấu trúc và ngữ pháp.
Với 50 câu trong thời gian 60 phút, học sinh phải chú ý phân bổ thời gian cho hợp lý. Với những bài về phát âm, dấu nhấn cùng những bài về ngữ pháp cần cố gắng làm chính xác, tránh mất điểm. Các bài đọc hiểu là những bài cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, cũng không nên quá sa đà đối với những phần kiến thức “gây khó” cho bản thân.
Đối với môn tiếng Anh, khi ôn tập thi THPT quốc gia, các em nên tập trung chủ yếu theo các chủ đề trong chương trình lớp 12. Học sinh xét ĐH, ngoài việc nắm kiến thức cơ bản, các em phải mở rộng chủ đề, cố gắng làm nhiều bài đọc hiểu, chú ý các bài đọc hiểu.
Cô Trần Nguyễn Hương Giang
(Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, trường THPT Hùng Vương, Q.5)
Yến Hoa ghi
Bình luận (0)