Tiếng Anh là một môn có đặc thù, chúng ta phải học theo kiểu mưa dầm thấm lâu, không thể học dồn dập trong một, hai tuần trước khi thi.
|
Học ngoại ngữ qua Internet.
|
1. Trước khi thi
Song song với việc học các môn thi tốt nghiệp khác, các em phải thường xuyên ôn luyện tiếng Anh. Bỏ bê, các em sẽ quên kiến thức rất nhanh.
– Cấu trúc đề thi đại học bao gồm các phần: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu, viết, tìm câu sai…
+ Phần ngữ âm, trong khi ôn luyện, các em nhớ tra từ điển các từ mà các em chưa chắc chắn về cách đọc hay đọc theo cảm tính. Ví dụ như từ “preparation”, nhiều em nghĩ đọc là | pripe’rei n | nhưng thực ra lại đọc là | prep ’rei n |
+ Phần ngữ pháp, từ vựng, một vài năm trở lại đây, các bài ngữ pháp, từ vựng khá cơ bản, sát chương trình, không đánh đố, không quá khó đối với học sinh.
Kiến thức trải toàn bộ chương trình sách giáo khoa nên các em phải nắm kiến thức ngữ pháp cơ bản thật chắc chắn, học đến đâu, chắc đến đó, đừng để tình trạng bài khó thì làm được, bài dễ lại sai.
+ Phần đọc hiểu, bài thi sẽ có hai phần đọc hiểu theo các nội dung chủ đề trong chương trình sách giáo khoa nên ngoài các bài đọc trong sách giáo khoa, các em nên đọc thêm các sách báo tham khảo về các chủ đề đó để mở rộng kiến thức về từ vựng và cấu trúc, trau dồi kĩ năng đọc hiểu của mình.
– Tập cho mình thói quen trong khi làm bài tập ở nhà phải tập trung, làm nghiêm túc bài nào chắc bài đó. Tránh tình trạng làm bài ở nhà qua loa với tâm lý đến lớp cô sẽ chữa. Dẫn đến hậu quả khi làm bài thi thật cũng qua loa, hay mắc các lỗi cơ bản không đáng có.
2. Trong khi thi
– Chuẩn bị tâm lý tốt trước khi thi. Đừng quá lo âu, căng thẳng. Các em nên chọn trường vừa sức với mình, đừng quá với để bước vào phòng thi với một tâm trạng thoải mái.
– Các em sẽ làm bài thi trong 90 phút, thời gian trôi đi rất nhanh nên nhớ phân bổ thời gian cho khoa học, chính xác. Ví dụ: với câu phrasal verb hoặc giới từ, nếu các em không biết thì đừng bỏ nhiều thời gian vào những câu đó, nên để nhiều thời gian cho bài đọc hiểu.
– Đọc thật kĩ đầu bài, chú ý từ “Không” ví dụ như:
+ Câu nào không cùng nghĩa với câu sau đây.
+ Câu nào không đúng về ngữ pháp.
+ Từ nào không được nhắc đến trong bài đọc hiểu.
– Với các bài điền từ trong đọc hiểu, không nên làm ngay mà phải đọc hết cả bài để nắm được nội dung và ngữ cảnh. Khi điền từ chú ý giới từ, dấu chấm phẩy vì có thể từ các em chọn đúng về nghĩa nhưng không đi với giới từ trong bài đọc hoặc nếu có dấu phẩy thì từ các em chọn sẽ sai về ngữ pháp.
– Với những bài như: Chọn phương án đúng ứng với câu có nghĩa gần nhất với mỗi câu cho sẵn sau đây, các em phải đọc kỹ vì ba phương án nhiễu rất tương tự với câu mẫu (chú ý về thời, số ít, số nhiều, dấu chấm câu và câu đảo ngữ).
– Với bài đọc hiểu trả lời câu hỏi, các em nên lấy bút gạch chân những con số về ngày tháng, giá cả, quãng đường để tránh nhầm lẫn. Các em không nên bối rối hoặc hoang mang khi gặp từ mới, cần đoán nghĩa của từ qua ngữ cảnh và nắm được ý chính của câu hoặc đoạn.
– Với bài sửa lỗi sai, các em đọc kĩ cả câu, sau đó cân nhắc từng đáp án, tránh việc mới chỉ đọc đoạn đầu, cảm thấy sai đã chọn luôn.
– Nhớ lật đầu bài đến tận trang cuối cùng vì có một số em bỏ sót, không làm mấy câu trang cuối.
Sau khi làm xong nhớ rà soát xem có tô nhầm đáp án không.
Chúc các em thành công!
Nguyễn Minh Tâm
GV trường THPT Chu Văn An, Hà Nội (Theo TPO)
GV trường THPT Chu Văn An, Hà Nội (Theo TPO)
Bình luận (0)