Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Môn tiếng Việt và toán lớp 5: Hơn 80% học sinh đạt chuẩn và cận chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Học sinh lớp 5 Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 trong giờ sinh hoạt lớp. Ảnh: K.ANHĐây là kết quả được khảo sát tại 4.000 trường tiểu học với 60.000 học sinh cùng 8.000 giáo viên lớp 5 trên toàn quốc trong năm học 2007- 2008. Viện Khoa học giáo dục (KHGD) Việt Nam đã tiến hành khảo sát trong thời gian từ tháng 4-2007 đến tháng 4-2008.

Kết quả khả quan

Bằng các đề kiểm tra đánh giá kết quả học tập được các nhóm chuyên gia của Bộ GD-ĐT xây dựng, đối với môn tiếng Việt (TV), mỗi học sinh làm 2 đề, đề trắc nghiệm làm trong 60 phút với 40 câu và đề tự luận viết trong vòng 15 phút. Môn toán học sinh làm trắc nghiệm 40 câu. Cả hai môn toán và TV đều yêu cầu với 4 mức: biết, hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Tại hội nghị công bố báo cáo khảo sát kết quả học tập môn toán và TV của học sinh lớp 5 năm học 2006-2007 được Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, Phó viện trưởng Viện KHGD Việt Nam Nguyễn Lộc cho biết xét theo chuẩn chức năng (gồm hai mức đạt chuẩn và cận chuẩn) thì tỷ lệ học sinh đạt ở cả hai mức đó trong môn toán là 87,2% và trong môn TV là 81,8%.  Tây Bắc là vùng có kết quả thấp nhất ở cả hai môn, 31,2% học sinh ở dưới mức cận chuẩn đối với môn toán và 37,1% đối với môn TV. Nếu xét theo vị trí trường thì các trường ở vùng sâu, vùng xa có 30,5% học sinh ở mức dưới cận chuẩn, con số này ở vùng thành thị là 9,4%, ở nông thôn là 16,3%. 

Tuy nhiên, cũng từ kết quả khảo sát này, Viện KHGD Việt Nam chỉ rõ mức độ chênh lệch trong giáo dục hiện nay. “Xét trên toàn quốc, so với năm 2001, kết quả môn toán chỉ tăng 5,86 điểm (độ lệch chuẩn 108,72) và môn TV tăng 33,77 điểm (độ lệch chuẩn 96,60%). Nhìn vào độ lệch chuẩn trong kết quả của mỗi môn có thể thấy mức độ chênh lệch về trình độ học sinh ở môn toán có xu hướng tăng lên và ở môn TV có giảm đi” – ông Lộc nói. Trong đó, Tây Bắc là vùng có sự gia tăng kết quả kém nhất ở cả hai môn toán (giảm 47,08 điểm) và TV (chỉ tăng 5,51 điểm). Đồng bằng sông Hồng là vùng có sự gia tăng nhiều nhất ở cả hai môn toán (tăng 35,12 điểm), TV (48,95 điểm). Xét theo vị trí trường đóng, sự chênh lệch về tỷ lệ học sinh dưới chuẩn giữa khu vực thành thị và khu vực vùng sâu vùng xa cũng còn khá lớn 17,6% với môn toán và 21,1% ở TV. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng: Chúng ta mong muốn giảm chênh lệch giàu nghèo nhưng dường như chúng ta càng làm thì khoảng cách lại càng xa. Phải làm sao để giáo dục của chúng ta đi trước một bước.

Nền tảng gia đình là yếu tố quyết định số 1

Trong đợt khảo sát này, mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đối với từng môn học cũng được đề cập tới. Theo TS. Lan Phương, Viện KHGD Việt Nam, trong toàn bộ câu hỏi có rất nhiều dữ liệu. Các chuyên gia đã tổng hợp được 12 nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến từng môn học của học sinh. Trong đó nền tảng gia đình là yếu tố số 1. Ở môn toán, có 7 nhân tố được đánh giá là có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả học tập của học sinh. Nền tảng gia đình có mức độ ảnh hưởng cao nhất (8,2% độ dao động của kết quả), kế đến là cơ sở vật chất nhà trường (4,44%), đội ngũ giáo viên giữ vị trí thứ ba. Đối với môn TV, 5 nhân tố được đánh giá là có ảnh hưởng quan trọng thì nền tảng gia đình đứng đầu bảng với độ dao động là 7,41%, cơ sở vật chất vẫn giữ vị trí số hai nhưng đội ngũ giáo viên lại tụt xuống vị trí thứ tư. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Từ trước đến nay chúng ta vẫn cho rằng trong giáo dục, ba yếu tố gia đình – nhà trường – xã hội ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Nhưng cũng từ trước tới nay, trong phạm vi hệ thống,  chúng ta chỉ chú ý đến coi trọng chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, điều kiện dạy học. Qua đợt đánh giá này, chúng ta phải mở rộng ra cả các yếu tố xã hội. có nhân tố quan trọng hơn là nền tảng gia đình. Nền tảng này gắn với từng địa phương, từng điều kiện kinh tế xã hội của địa phương đó, từng điều kiện kinh tế của gia đình, phong tục tập quán của địa phương. “Trong những năm vừa qua các dự án giáo dục đều tập trung cho vùng khó khăn. Chúng ta phải làm thế nào để người dân thực sự sẵn sàng. Thực tế, không phải những nơi khó khăn là chất lượng giáo dục thấp là không dạy được 2 buổi/ngày. Đấy là ý thức của người dân, của giáo viên, tính xã hội hóa giáo dục của nhà trường với học sinh” – ông Hiển kết luận.

Tiến tới giảm tải

Kết quả khảo sát của Viện KHGD cũng cho thấy 69,9% giáo viên trên toàn quốc (được khảo sát) cho rằng chương trình và SGK đảm bảo tính vừa sức so với trình độ của học sinh tiểu học Việt Nam. Nhưng tỷ lệ này không tương đồng giữa tất cả các vùng. “Chỉ có 36,3% giáo viên vùng Tây Bắc bộ cho là chương trình -SGK vừa sức với học sinh. Điều đó có nghĩa là hơn 60% còn lại cho rằng chưa vừa sức hoặc không vừa sức” -ông Nguyễn Lộc cho biết. PGS. Hoàng Hòa Bình, Viện KHGD Việt Nam đề nghị  Bộ GD-ĐT nên sớm cho phép học sinh vùng dân tộc thiểu số được học tiểu học kéo dài 6 năm. PGS. Bình phân tích đây là giải pháp tối ưu nhất. Vì đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chất lượng giáo viên, đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy thì vẫn cần phải tăng thời lượng. Nhưng bà cũng cảnh báo Bộ cần thận trọng với giáo dục song ngữ. Hiện nay, số học sinh được học 2 buổi/ngày đã tăng gấp hai lần so với năm 2001. Tuy nhiên, kết quả đợt khảo sát vừa qua cho thấy có tới hơn nửa số học sinh và 8/10 học sinh ở vùng sâu, vùng xa vẫn phải học 2 ca/ngày. Trên toàn quốc vẫn còn 0,14% trường tiểu học phải học 3 ca/ngày (Khu vực Tây Bắc bộ tỷ lệ này là 1,91%). Hiện nay, trong kết quả khảo sát của Viện KHGD Việt Nam thì có tới hơn 10% học sinh không có bút. Do đó, Viện KHGD đề nghị đổi mới chương trình, SGK theo hướng vừa đảm bảo kiến thức, kỹ năng chung vừa đảm bảo phù hợp với thực tế vùng miền. Đồng thời, Bộ cũng cần phải điều chỉnh thời lượng học tập của học sinh tiểu học đảm bảo sự phù hợp với thực tế. Một số chính sách liên quan đến việc học 2 buổi/ngày đã có cần được rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung cho phù hợp như chế độ đối với giáo viên, vấn đề cơ sở vật chất, chương trình học, tỷ lệ giáo viên/lớp…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết trong chiến lược giáo dục từ nay đến 2020, sẽ tiến tới 3 năm một lần đánh giá chất lượng giáo dục khách quan. Ngoài việc chủ động đánh giá này, Bộ GD-ĐT cũng đang cân nhắc chúng ta tham gia vào tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế. Khi tham gia vào tổ chức quốc tế này thì mình sẽ biết được mình đang đứng ở chỗ nào của thế giới.

Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)