Còn khoảng 2 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Thế nhưng, thời điểm này nhiều giáo viên bộ môn cho biết vẫn đang rất “mơ hồ” trong quá trình ôn luyện cho học sinh, đặc biệt là môn toán khi cấu trúc bài thi môn này năm nay có cả kiến thức lớp 11.
Học sinh lớp 12A17 Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) trong giờ học môn toán |
Chỉ tính riêng kiến thức toán lớp 12 đã khiến học sinh muốn “nghẹt thở”, vậy nên khi gộp cả kiến thức lớp 11, nhiều thầy cô bộ môn này cho rằng học sinh đang thật sự “quá tải” khi phải gồng gánh quá nhiều lượng kiến thức.
Đề thi minh họa chỉ là… minh họa
Đây là nhận định của nhiều giáo viên môn toán tại các trường THPT ở TP.HCM khi chia sẻ về hoạt động ôn tập bộ môn này. Theo đó, các thầy cô cho biết không thể chỉ căn cứ vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để đưa ra một đề cương ôn tập cho học sinh. Bởi như thế, chỉ cần đề ra “chệch” một chút là sẽ khiến học sinh thiệt thòi. Vì thế, hiện tại bên cạnh những kiến thức lớp 11 có trong đề thi minh họa, học sinh lớp 12 tại nhiều trường được khuyến khích ôn luyện toàn bộ chương trình lớp 11.
“Các năm trước, khi đề thi chỉ đơn thuần là kiến thức lớp 12 thì câu khó chiếm khoảng 2 câu. Thế nhưng, với cấu trúc đề thi minh họa môn toán của Bộ GD-ĐT năm nay thì câu khó lại tập trung rất nhiều vào kiến thức lớp 11, dàn trải từ đầu chương trình đến cuối chương trình học”, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc (Tổ trưởng Tổ toán, Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) nhận định.
Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, hiện tại nhà trường đang tập trung ôn tập cho học sinh nắm vững kiến thức lớp 12. Còn kiến thức lớp 11 chỉ mới ôn căn bản những kiến thức có trong đề thi minh họa như kiến thức về lượng giác, hình không gian, tổ hợp, cấp số cộng, cấp số nhân, nhị thức Newton. Sau khi ôn hết những kiến thức này sẽ mở rộng ra toàn chương trình.
Bên cạnh đó, thầy Ngọc cũng băn khoăn rằng, có một bất cập trong quy định của Sở GD-ĐT trong cuối học kỳ II. Đó là quy định về cấu trúc đề kiểm tra vẫn phải có 40% tự luận, 60% trắc nghiệm thay vì trắc nghiệm hoàn toàn để học sinh làm quen, khối lượng kiến thức nhiều và có thêm thời gian ôn luyện.
Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), theo thầy Đỗ Khánh Giang (Tổ trưởng Tổ toán), với đặc thù cấu trúc đề thi môn toán năm nay có thêm kiến thức lớp 11, nhà trường đang linh động chương trình để dành thời gian cho học sinh ôn tập môn toán. Đặc biệt, tập trung ôn luyện theo những chủ đề trong chương trình kiến thức lớp 12 như khảo sát hàm, không gian, đạo hàm, tích phân. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc năm học, chương trình lớp 11 sẽ được tập trung ôn tập kỹ hơn. “Nhà trường đảm bảo cho học sinh nắm thật vững toàn bộ kiến thức lớp 12. Song song với đó, căn cứ vào đề thi minh họa, chương trình lớp 11 được giáo viên tập trung vào những kiến thức như tổ hợp xác suất, quan hệ vuông góc, quan hệ song song, giới hạn, đạo hàm, lượng giác”, thầy Giang cho biết.
Tuy nhiên, theo thầy Giang, Bộ GD-ĐT chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định về khung kiến thức lớp 11. Cho nên, tất cả những kiến thức lớp 11 mà học sinh đang được hướng dẫn ôn tập chỉ là “đoán mò”.
Là một trường có điểm đầu vào ở mức trung bình, thầy Đào Xuân Văn (Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10) cho biết nhà trường không “tham vọng” ôn tập hết chương trình lớp 11 vì sẽ quá sức với học sinh, mà mới chỉ đang chủ yếu tập trung ôn vào kiến thức lớp 12 và đến giữa tháng 4 này mới dành từ 2 đến 3 tiết mỗi tuần để ôn kiến thức lớp 11. “Theo cấu trúc đề thi minh họa thì kiến thức lớp 11 sẽ chiếm 11 câu, còn lại là 39 câu kiến thức lớp 12. Vì vậy, chỉ cần nắm chắc cơ bản kiến thức lớp 12, học sinh cũng có thể đạt điểm 5”, thầy Văn nhận định.
Đọc kỹ đề để tránh bị “đánh đố”
Đó là lời khuyên của các giáo viên toán dành cho học sinh lớp 12 trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. “Thi trắc nghiệm sẽ có những câu khó, câu dễ phân bố theo 4 cấp độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. 50 câu trắc nghiệm là 50 bài toán nhỏ. Có những câu, đọc đề là sẽ làm được ngay. Nhưng cũng có những câu, thật ra rất đơn giản nhưng lại mang tính đánh đố. Và các em thường mắc lỗi ở những câu hỏi này. Đòi hỏi thí sinh phải đọc thật kỹ đề, tránh hấp tấp vội vàng. Chỉ cần khác đi một từ thôi là bài toán đã mang một lời giải khác rồi”, thầy Đỗ Khánh Giang chia sẻ.
Bên cạnh việc đọc kỹ đề, thầy Giang cũng cho rằng các em cần phải tính toán một cách cẩn thận. “Câu nào dễ làm trước, khó làm sau, đừng để thời gian “chết” quá nhiều, hay sa lầy quá nhiều vào một câu nào đó. Cũng có thể rất nhiều câu khó lại đứng cạnh nhau, nhưng cũng đừng hoang mang, ngay lập tức chọn sang câu khác để làm”, thầy Giang nhắn nhủ.
Đồng tình với những chia sẻ trên, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc bổ sung thêm, khi vào phòng thi, các em không nên lạm dụng bấm máy tính quá nhiều để tránh bị phân tâm, suy nghĩ. Câu nào đơn giản thì hãy tự mình tính toán. “Kiến thức đều có sự liên hệ với nhau, dù là chương trình lớp 12 hay lớp 11. Chỉ cần thực hành làm thật nhiều các dạng toán từ đơn giản đến phức tạp, các đề thi toán thì tự mình sẽ nắm vững thêm kiến thức, rút ra những kinh nghiệm làm bài nhanh, hạn chế tối đa các lỗi mình thường mắc phải”, thầy Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, thầy Ngọc cũng đưa ra lời khuyên, các em nếu không phải là học sinh xuất sắc cần phải đạt điểm cao thì đừng nên chạy theo những câu hỏi ở dạng vận dụng cao. “Nắm vững nhiều kiến thức ở mức nhận biết và thông hiểu thì đạt điểm 5 là không phải khó”, thầy Ngọc nói.
Về tâm lý trước “giờ G”, các giáo viên đều khuyên rằng, trước ngày thi các em nên dành toàn bộ thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý để tạo cho mình tâm lý thoải mái nhất. “Không chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng để ảnh hưởng đến tâm lý. Khi đã bước vào ngày thi rồi thì đừng quá tập trung vào những lỗ hổng kiến thức mà mình còn chưa học tránh hoang mang dẫn đến kết quả làm bài không được như mong đợi”, thầy Đào Xuân Văn nhắn nhủ.
Yến Hoa
Bình luận (0)