Y tế - Văn hóaThư giãn

Mồng ba Tết thầy…

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe câu nói: Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy. Chúng ta có thể hiểu đây là một tục lệ, một tập quán mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt từ xưa đến nay.


Theo tác giả, tôn sư trọng đạo là một biểu hiện đạo đức của người Việt Nam trước đây và bây giờ vẫn còn được gìn giữ (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa

Mồng một Tết cha có thể hiểu là mồng một thường làm các lễ và thăm viếng gia đình bên nội. Ngày trước, người lập gia thất thường ở bên người chồng (bên cha của chồng, bên nội của các con); nếu không ở bên nội thì cũng thường không ở quá xa gia đình bên nội (ở riêng hoặc đi làm ăn xa thì theo điều kiện đi lại của ngày xưa, khoảng cách cũng tương đối). Do đó ngày Tết trước tiên thường về bên nội, làm lễ ở nhà thờ họ, ở nhà cha mẹ, ông bà, thăm viếng họ hàng bên nội. Ngày mồng hai, gia đình về bên ngoại để làm các thủ tục tương tự. Như đã nói, ngày xưa thường người ta không đi quá xa quê nhà, gia đình hai bên nên về đại thể, đi lại dẫu bằng phương tiện thô sơ (thậm chí đi bộ) nhưng trong hai ngày đầu năm, người ta hầu như có thể hành lễ đầy đủ ở gia đình hai bên nội ngoại.

Mồng ba, tức là ngày sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ với họ hàng hai bên, bổn phận của một người có đi học phải đến thăm viếng thầy của mình. Thầy ở đây có thể hiểu là thầy dạy chữ và thầy dạy nghề; trong một số trường hợp người thầy tuy không trực tiếp dạy nhưng vẫn có ân nghĩa sánh tựa vai người thầy. Ngày trước, phần lớn các người thầy đều là người làm nghề dạy học tự do (dạy tư, chứ không phải người của Nhà nước), có người lấy việc dạy học làm nghề kiếm sống, có người xem đó là một việc nghĩa, một loại hoạt động xã hội. Cũng có người thầy dạy nghề, như nghề mộc, nghề dệt, nghề rèn…; Người học dù ngày thường không trả thù lao cho thầy, ngày Tết hẳn cũng sẽ không đến với thầy chỉ có lòng thành mà thiếu các thức là sản vật của địa phương hoặc cây nhà lá vườn, như thúng nếp, cặp vịt, đôi gà, tĩn rượu, các loại bánh mứt nhà làm…

Ngoài những người thầy như kể trên, còn có một người thầy đặc biệt nữa, đó chính là các sĩ tử thi đỗ thì gọi quan chủ khảo là “ân sư”, dù vị quan này chưa từng dạy sĩ tử đó. Đây là một tục lệ mà cũng là một sự ghi nhận công lao của người đã nhìn thấy năng lực, phẩm cách của họ, xem vị chủ khảo xứng đáng là một người thầy của mình, hơn thế còn là một người thầy rất mực tôn kính. Cách ứng xử đối với vị “ân sư” này cũng không kém gì những người thầy thực sự khác, thậm chí có phần trọng vọng hơn, vì người được nhà vua giao nhiệm vụ làm chủ khảo hẳn phải có học vấn hơn người và được giữ một vị trí nào đó quan trọng trong bộ máy chính quyền phong kiến. Dĩ nhiên, người thầy có ơn với người học hoặc người thầy được người học rất tôn kính thì vẫn được gọi là “ân sư”. Như vậy, “ân sư” là sự tôn trọng cao hơn đối với một số người thầy nào đó có vai trò quan trọng trong việc học tập và thành tài của người học. Cũng phải nói thêm rằng, trong thang bậc xã hội cũ, người thầy được xếp trên cha, nên khi đã nhận ai làm thầy dù không cách biệt tuổi tác người học vẫn có xưng hô theo khuôn phép: gọi “thầy” xưng “con” và rất ít khi có ngoại lệ. Do truyền thống tôn kính thầy nên người xưa thường dành ngày mồng ba để đến thăm viếng thầy; nếu người thầy đã quá vãng thì cũng đến hương khói, thăm mồ mả, chăm sóc người thân của thầy, nhất là với người già, trẻ nhỏ. Lẽ dĩ nhiên, dân gian hay gọi “ba ngày Tết” nên sau hai ngày Tết cho gia tộc, thì ngày thứ ba phải dành cho thầy. Nếu “ba ngày Tết” là cách nói tượng trưng để chỉ một số ngày Tết thì ngày mồng ba cũng mang ý nghĩa tượng trưng, có nghĩa là dù thế nào những ngày cuối của dịp Tết, nhất định phải đến thăm thầy cho phải đạo.

Có thể có người sẽ thắc mắc, trong thang bậc ở xã hội cũ, người thầy được xếp trên cha, vậy sao ngày Tết lại thăm vào ngày mồng ba mà không phải mồng một? Điều này có thể được giải thích như sau: Theo quan niệm Nho học, năm giềng mối quan trọng của xã hội (ngũ luân) gồm: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (vợ chồng), huynh đệ (anh em), bằng hữu (bạn bè); trong đó, ba quan hệ đầu gọi là tam cương. Dù xã hội trọng vọng người thầy nhưng quan hệ sư đồ (thầy trò) không được xếp vào các giềng mối quan trọng. Bên cạnh đó, xã hội cũ đặc biệt coi trọng yếu tố gia đình, dòng tộc (trong ngũ luân có đến ba yếu tố thuộc về gia đình) nên các nghi thức, lễ lạt của họ hàng phải được đặt lên hàng đầu trong dịp Tết, thời khắc đề cao tính sum họp gia đình. Ngày trước, chưa có ngày dành riêng cho người thầy, ông cha ta đã chọn ngày Tết để thăm viếng, tri ân công lao của người thầy cũng là có ý nghĩa riêng, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo.

Ngoài thể hiện lòng thành trong dịp Tết, người học còn hiếu kính đối với thầy trong nhiều dịp khác nữa. Chẳng hạn, nhà thầy có việc hiếu hỉ, thì trò bằng nhiều hình thức cũng chăm lo như việc của chính nhà mình. Khi thầy qua đời, trò cũng để tang ba năm, dù không phải tang phục, tang chế đầy đủ như để tang cha mẹ. Nếu trò nào thành đạt thường giúp đỡ thầy, gia đình thầy trong cuộc sống và xem đó như là nghĩa vụ của mình. Nếu thầy không có con trai nối dõi để cúng tế thì đại diện học trò sẽ cúng tế cho đến hết đời mình…

Ta có thể đọc trong “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” về một “nghi thức” tang chế của học trò đối với một người thầy: “Bác tôi mất năm 1933, thọ 55 tuổi… Đám tang thật long trọng. Trong hai ngày, hàng trăm môn sinh lớn tuổi lại thu xếp, làm rạp để tổ chức cuộc tế tam sinh: bò, lợn, dê. Có trống, kèn, văn tế. Môn sinh trẻ đứng đầy sân, và người tới coi chật ngõ. Động quan vào cuối giờ ngọ hay đầu giờ mùi một ngày hè. Đích thân mười hai môn sinh thân tín bận đồ tang ghé vai khiêng linh cữu. Một người đi giật lùi ở phía trước để ra hiệu cho cử động của mọi người phối hợp với nhau. Họ phải rán khiêng sao cho bát nước đặt trên linh cữu không sóng sánh. Họ rón rén bước một bước rồi lại ngừng một chút; từ trong nhà ra tới cổng độ hai chục thước mất đến nửa giờ. Ngừng ở đó khá lâu, rồi lại tiến từng bước ra cổng xóm. Khúc đường này rợp bóng tre, độ trăm thước, cũng mất nửa giờ nữa. Từ cổng xóm tới huyệt (trong một thửa ruộng của bác tôi) toàn là ruộng với những bờ ruộng rộng không quá gang tay, phải lội càn xuống ruộng mới cấy được độ một tháng. Dưới nắng chang chang và trong hơi nước hừng hực từ ruộng bốc lên, cả trăm người cũng lội theo linh cữu – vì theo lễ từ đời Chu (?) bên Tàu, thì “tống tang bất khả tị đồ” (đưa ma thì phải theo đúng đường của linh cữu, không được tránh qua lối khác). Người nào người nấy mồ hôi ướt cả áo trong và áo ngoài mà nét mặt vẫn nghiêm chỉnh. Khúc này dài độ vài trăm thước, đi cũng mất non một giờ nữa, vì rất khó đi và khó giữ cho bát nước khỏi sóng sánh. Tới huyệt, hạ quan, lấp huyệt, đắp nấm kỹ lưỡng cũng mất một giờ nữa. Tính ra trước sau mất non bốn giờ mới về tới nhà. Lúc đó đã chiều rồi, các môn sinh chia tay nhau”… Đây là tư liệu khá hiếm hoi về một cuộc đưa tang theo nghi thức truyền thống đối với một vị thầy giáo vào cuối thời kỳ Nho học. Không biết nếu trước đó một vài trăm năm thì các nghi thức có cầu kỳ hơn nữa hay không… Bao nhiêu đó cũng phần nào thấy sự tôn trọng và thành kính của học trò đối với người thầy trong xã hội cũ rồi.

Tôn sư trọng đạo là một biểu hiện đạo đức của người Việt Nam trước đây và bây giờ vẫn còn được gìn giữ. Nét văn hóa đặc sắc đó thể hiện rõ nét trong dịp Tết mà câu “mồng ba Tết thầy” chỉ là một dẫn chứng mang tính điển hình mà thôi!

Trúc Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)