Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mong “chữ” về cù lao…

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Mầm non Tân Lộc đang được khẩn trương hoàn thành

Trở lại cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) lần này, tôi cảm nhận được nhiều đổi mới: không còn những con đường lầy lội, không còn những cây cầu vừa đi vừa run, không còn những chuyến đò qua sông trong thắc thỏm lo âu trước những cơn sóng dữ… Nhìn từ xa, cù lao Tân Lộc như một con rồng lớn nằm giữa dòng con sông Hậu hiền hòa…
Mừng những đổi thay…
Cù lao Tân Lộc nằm lọt giữa dòng sông Hậu chảy qua địa bàn quận Ô Môn và huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Đầu cù lao giáp phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cuối cù lao giáp phường Thới An, quận Ô Môn, phía Bắc giáp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Muốn đến đất liền hoạt động duy nhất ở nơi đây là đò: đò qua sông để đến tỉnh Đồng Tháp, đò qua sông để đến TP Cần Thơ. Với chiều dài hơn 20km nên trường học ở Tân Lộc được bố trí gần như đều khắp nhưng manh mún và nhỏ hẹp. Còn nhớ năm 2004 khi đến Trường Tiểu học Tân Lộc 4 vào mùa nước nổi, toàn trường nằm trong biển nước, xung quanh cỏ mọc um tùm. Lúc ấy, ai nấy đều sợ hãi những con rắn, những con đỉa có thể bám vào chân mình. Ngoài Trường Tiểu học Tân Lộc 1 nằm trên trục lộ chính đi từ đầu đến cuối cù lao được dồn mọi điều kiện cơ sở vật chất và con người để đạt chuẩn quốc gia vào năm 2004, các trường khác trên địa bàn cù lao đều ọp ẹp, xuống cấp và tạm bợ…
 Từ năm 2005, “con rồng nhỏ Tân Lộc” đã chuyển mình vươn lên thành một “cù lao tỷ phú” với nghề nuôi cá tra nổi tiếng. Lợi thế ven sông được người dân khai thác triệt để để có hàng trăm ao nuôi cá tra xuất khẩu lớn nhất TP Cần Thơ. Cuộc sống khá lên, các tuyến đường nối khu vực này với khu vực khác được bê tông hóa, xe chạy bon bon. Những chiếc đò mỏng manh được thay thế bằng những chiếc phà vững vàng trước những cơn sóng dữ. Thay đổi về kinh tế đã kéo theo những thay đổi về mặt nhận thức, thay vào lo cái ăn, cái mặc, người dân nghĩ đến việc học hành. Số lượng học sinh tăng lên, trường lớp đã xuống cấp lại càng chật chội hơn. Giờ, mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp ở Tân Lộc đã thay đổi rõ nét, Trường Mầm non Tân Lộc với tổng kinh phí xây dựng gần 20 tỷ đồng đang được khẩn trương hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm học 2009-2010, Trường Tiểu học Tân Lộc 3, Tân Lộc 4 và THCS Tân Lộc cũng đang trong quá trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
Vẫn còn nhiều nỗi lo…
Thầy Đoàn Văn Nam, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Lộc chia sẻ: “Hàng năm có khoảng 80% học sinh Trường THCS Tân Lộc sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học THPT. Ngoài nguyên nhân không học nổi chương trình còn vì hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, đến trường THPT xa, phải qua đò…”. Chẳng hạn như em Lê Thị Thùy Dương, học sinh lớp 9A1 của Trường THCS Tân Lộc quyết định nghỉ học để ở nhà sau khi được xét tốt nghiệp THCS mà không vào học lớp 10 vì muốn học phải qua tận Thốt Nốt mới có trường THPT, học trung cấp chuyên nghiệp thì trên địa bàn không hề có cơ sở đào tạo. Chính vì ý thức học tập như thế nên công tác khuyến học trên địa bàn cũng không được sát sao. Toàn cù lao có trên 7.000 hộ nhưng chưa đến 500 gia đình đăng ký gia đình hiếu học cấp phường. Năm vừa qua, con cá tra bị rớt giá thê thảm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên đất cù lao, tình hình bỏ học của học sinh THPT cũng tăng lên đáng kể. Thế nhưng điều đáng lo nhất lại chính là việc lãnh đạo địa phương không nắm được số liệu cụ thể tình hình học sinh bỏ học, số lượng học sinh đậu đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… là bao nhiêu. Khi chúng tôi đặt vấn đề, lãnh đạo phường trả lời chung chung: không em nào ở nhà cả, không đậu đại học cũng kiếm cái khác mà học…
Ông Lê Văn Huấn, Phó chủ tịch UBND phường Tân Lộc phấn khởi, nói: “Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, ý thức học tập của người dân được nâng lên… Thời gian tới, giáo dục của Tân Lộc sẽ phát triển lên cao hơn nữa”.
Trên chuyến phà trở về, tôi lại càng buồn hơn khi được Phạm Thị Tý, 16 tuổi nhà ở cù lao Tân Lộc mời mua vé số. Từ nhỏ đến lớn Tý chưa một lần được đến trường, hỏi các con số, Tý bảo nhìn riết rồi quen. Thậm chí khi bán vé số, Tý nhìn vào màu của từng loại vé. Chẳng hạn, màu vàng chủ đạo là Đài Cần Thơ, màu sáng có cành lan ở giữa là Đài Vĩnh Long… Tý nói hồn nhiên: “Em bán gần 10 năm rồi nên quen tiền, quen mặt vé số hết luôn”. Hỏi Tý có muốn đi học không? Tý trả lời: “Giờ này đi học mắc cỡ lắm mà cả nhà em 17 anh chị em có ai đi học đâu, mấy đứa cháu con anh chị cũng thế”. Ở giữa cù lao trù phú nhưng gia đình Tý không có một mảnh đất để canh tác…
Những chuyến phà qua sông Hậu về cù lao Tân Lộc ngày càng vững vàng hơn bởi có rất nhiều “tỷ phú” đất cù lao về nhà bằng xe du lịch. Thế nhưng, những chuyến phà thật sự để chở những con chữ về đất cù lao dường như vẫn thiếu sự quan tâm. Chẳng có gì muộn cho sự bắt đầu, hy vọng với sự chuẩn bị hiện tại, giáo dục trên đất cù lao sẽ thật sự chuyển mình.
Thái Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)