Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Mong cô giáo là bạn của cháu tôi”

Tạp Chí Giáo Dục

“Tôi nhận cuộc gọi xong mà không cầm nổi nước mắt”, cô giáo H. kể về lời khẩn cầu của bà nội một học sinh lớp 7 mình chủ nhiệm trong buổi họp hội đồng sư phạm nhà trường. Tất cả giáo viên dường như lắng đọng khá lâu sau khi nghe cô H. kể về cuộc nói chuyện với vị phụ huynh “thay thế”.
Bà nội em Thanh* kể cho cô giáo H. về trường hợp gia đình của cháu mình: Ba mẹ ly dị mỗi người một nơi, mẹ không có việc làm về quê ngoại ở Tiền Giang sống; ba sau khi ly dị buồn chán cũng không đi làm, ở nhà rượu chè suốt ngày. Tuy không đánh đập, ghét bỏ gì con mình nhưng không quan tâm đến con như ngày trước, bỏ mặc con học cũng được không học cũng được, muốn làm gì thì làm tùy ý. Thanh bơ vơ buồn tủi, học hành sa sút, có ba có mẹ mà như đứa con bị bỏ rơi. Bà nội ốm đau nằm trên giường bệnh không có tài sản gì nhưng thương cháu mình nên khi anh em bà con hỗ trợ tiền thuốc men thì cho cháu nội mỗi ngày 30 ngàn đồng để cháu ăn sáng, ăn trưa. Bà thương cháu là vậy, nhưng thử hỏi một đứa trẻ lớp 7 yếu ớt, mỏng giòn với tâm hồn dễ tổn thương trong tình huống này liệu có vững vàng đủ sức vượt qua “lời qua tiếng lại” của hàng xóm, đủ kiên trì để không cảm thấy tủi thân. Và, lẽ thường, thiếu đi tình mẹ làm em đau đớn. Bà nội em kể, hôm thi học kỳ I xong, Thanh chạy xe đạp hơn 30km từ Bình Chánh về Tiền Giang để gặp mẹ. Đổi lại nỗi nhớ của đứa con trai là sự ruồng bỏ, hắt hủi của người mẹ.
Người bà thương cháu, biết cháu buồn tủi bỏ học lang thang ngoài đường có đêm không về, có tiền không ăn uống lại chơi game. Bà biết nhưng vẫn nhẹ nhàng khuyên bảo động viên, vì bà biết Thanh không phải là đứa trẻ hư, còn biết nghe lời. Bằng chứng là Thanh vẫn nghe lời cô giáo thi gần đầy đủ các môn trong học kỳ I; vẫn trở lại lớp học sau khi được cô giáo đến nhà thăm hỏi, sẻ chia; vẫn có thể khóc trước mặt cô giáo lúc kể chuyện gia đình. “Cô không thể cho nó hơi ấm của người mẹ, nhưng cô đã cho nó tình thương của một người phụ nữ, tôi mong cô hãy làm bạn với nó. Từ khi ba mẹ xa nhau, bạn bè cũng xa lánh, tôi thấy nó nói chuyện được với cô giáo là tôi mừng lắm! Tôi tin nó sẽ dần dần bớt tổn thương…”, bà nội Thanh mong muốn.
Chúng ta cũng luôn khao khát có những nhà giáo như cô H. đủ can đảm, dám hy sinh đón nhận học trò như một người bạn chứ không chỉ là người mẹ, người thầy chỉ biết “lên lớp” về thiệt thòi, khiếm khuyết của học trò mình. Mong gia đình biết dành yêu thương cho con trẻ, mong nhà trường với mỗi thầy cô là cái nôi êm ái đồng hành cùng học trò vào đời.
Nguyễn Minh Thanh
(giáo viên Trường  THCS Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM)
 
* Tên học sinh đã thay đổi 

Bình luận (0)