Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mong con… bớt giỏi!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chắc mọi người sẽ nghĩ tôi bị khùng. Sinh con ra ai chẳng muốn con mình giỏi giang, hơn người? Tôi cũng vậy! Nhưng, trong mấy năm đầu cấp tiểu học, kết quả “giỏi” con tôi đạt được làm tôi lo nhiều hơn mừng.
Dạy con học. Ảnh minh họa.
Con tôi cùng các bạn đã hoàn tất kỳ thi học kỳ II năm học 2009 – 2010. Trước ngày thi, cháu cứ cặm cụi “tụng” xấp tài liệu hướng dẫn của cô giáo phát. Khi thì cháu tập chép, tập đọc, lúc giải lại những bài toán cũ. Tôi và vợ tôi định hướng cho cháu thì cháu một mực không theo với lý do “phải trả bài đầy đủ cho cô”.
Con tôi đã có lý khi luôn làm theo những yêu cầu của giáo viên, đó là học và trả bài đầy đủ. Tôi hỏi: “Nếu con hoặc các bạn con mà không thuộc hết thì sao?”. “Sẽ bị cô giáo phạt!” – con tôi trả lời.
Qua tìm hiểu, tôi biết chắc rằng: yêu cầu của giáo viên là học sinh phải nắm được các nội dung đã định sẵn trong sách giáo khoa, cũng như các gợi ý trong phần làm bài mà ít khuyến khích các cháu sáng tạo. Như vậy, học sinh chỉ cần nắm và trả lời được các câu hỏi như yêu cầu là đạt điểm giỏi!
Tranh thủ những lúc rỗi, tôi thường đưa con đến nhà bạn chơi vì lũ trẻ chơi với nhau rất hợp (con tôi học trên con của bạn tôi một lớp). Lần này, tôi đưa con tôi đến nhà bạn thì thấy con của bạn cũng đang trong giai đoạn “chạy đua nước rút” với các xấp bài cô giáo phát. Thằng bé luôn được đặt trong tình trạng “mẹ một bên và ba một bên” với tinh thần phải đạt điểm 10, nếu không sẽ không được thưởng.
Mặc dù phải “sống chung với lũ” nhưng tôi cố gắng định hướng và khuyến khích con sáng tạo trong học tập. Rút kinh nghiệm từ năm học trước, ngay từ đầu năm học 2009 – 2010, tôi quyết định cho con tăng cường đi thực tế nhiều hơn.
Ngày tết, tôi đưa con về quê thăm ông bà, nhờ chuyến đi đó mà cháu phân biệt được đâu là cây lúa, đâu là đòng đòng, đâu là cây cau, đâu là cây dừa, đâu là cây mướp, đâu là cây bầu… Tôi đích thân đưa con đi xem lễ hội đánh đu, đấu vật… và kết quả là cháu lớn lên trong cách nhìn của mình. Ở lớp, những bài văn tốt của học sinh lại trở thành khuôn mẫu để cả lớp học thuộc.
Vừa rồi, cháu có hỏi tôi về bài văn kể về một câu chuyện tốt và một câu chuyện chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường. Tôi đưa cháu ra công viên, ngồi vào ghế đá và hướng dẫn cháu quan sát. Bước đầu cháu đã nhận ra việc những người vứt rác bừa bãi là chưa tốt, những người bỏ rác vào thùng là làm việc tốt cho môi trường, còn việc “mẫu” của bài văn như thế nào là việc của giáo viên. Nhưng tôi cũng chỉ thành công trong việc dung hòa hai luồng tư tưởng của cha mẹ và giáo viên vào con mình mà thôi.
Mặc dù chưa thi học kỳ nhưng tôi biết con tôi, con của bạn tôi (và của nhiều người nữa) vẫn sẽ đạt loại giỏi – kết quả có thể làm hài lòng nhiều bậc cha mẹ. Chỉ tiếc rằng kết quả “giỏi” đó mang nặng máy móc nhiều hơn là sáng tạo.
Phải thừa nhận yêu cầu của chương trình học bây giờ cao hơn các giai đoạn trước rất nhiều, giáo viên ngày nay phải chịu nhiều áp lực hơn so với trước. Mặc dù các thế hệ học sinh trước đây vẫn phải buổi học, buổi đi chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng… mà vẫn học giỏi, vẫn sáng tạo; trong khi rất nhiều học sinh bây giờ với điều kiện học tập hơn hẳn so với trước đây lại không có được tính sáng tạo như ngày trước.
Nhìn “bảng vàng” thủ khoa trong các kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua, ta có thể nhận thấy số lượng thủ khoa ở “quê” nhiều hơn ở “phố” mà thấy chạnh lòng…
Nguyễn Quế Diệu
Giảng viên Trường Sĩ quan lục quân II
Theo Tuổi Trẻ

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)