Tại các hội nghị đóng góp về dự thảo Luật Giáo dục vừa qua, nhiều đại biểu đã ủng hộ đề xuất cho học sinh nghỉ học ngày thứ bảy, đó là điều mà các phụ huynh, thầy cô giáo và nhất là học sinh mong muốn.
Là một người thầy, người cha của hai đứa con (một học lớp 6, một học lớp 2), tôi rất hoan nghênh đề xuất này. Một đề xuất rất hợp lý bởi giảm tải cho học sinh, nói đúng hơn là bớt “gánh nặng” kiến thức cho các em. Để học sinh giảm kiến thức sách vở (thời gian học nhiều có lúc các em phải “nhai đi nhai lại” kiến thức), làm những việc thiết thực trong cuộc sống, mở rộng kiến thức từ thực tế là điều quan trọng hơn. Bởi việc học sinh học cả ngày suốt tuần, kể cả chủ nhật cũng phải học thêm dẫn đến thiếu ngủ, ăn vội, ít vận động…, khiến các em mệt mỏi, chán chường việc học, không còn hứng thú đến trường, bị trầm cảm.
Việc xem xét để học sinh học 5 ngày/tuần và nghỉ trọn vẹn 2 ngày cuối tuần là rất chính đáng. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh. Học sinh sẽ là người vui nhất khi đề xuất này trở thành hiện thực vì khi được nghỉ ngày thứ bảy, các em có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện thể chất, hay phụ giúp gia đình những việc lặt vặt, tham gia các lớp học ngoại khóa trau dồi kỹ năng sống… Cùng với việc giảm ngày học là cắt giảm những chương trình học không cần thiết để thực sự giảm áp lực cho học sinh. Chúng tôi mong muốn Luật Giáo dục sửa đổi và chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ sớm áp dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi học sinh được nghỉ học ngày thứ bảy, rất mong thầy cô và phụ huynh cần “trả” ngày nghỉ này đúng nghĩa cho các em. Tại sao lại như vậy? Vì không ít bậc phụ huynh sẽ đẩy con học thêm vào ngày này, còn thầy cô lại ra nhiều bài tập cho học sinh làm trong hai ngày cuối tuần.
Hoàng Thái Hùng
(TP.HCM)
Bình luận (0)