Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mong lắm một sự cảm thông

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, ngoài áp lực của công việc giảng dạy, giáo viên (GV) còn chịu áp lực lớn từ… phụ huynh. Trước những thông tin lan truyền đầy rẫy trên các trang mạng xã hội, những sai sót của thầy cô đã được “phóng đại” lên rất nhiều lần. Có lẽ bởi thế, nhiều phụ huynh đã vội vàng kết tội GV khi chỉ nghe những lời kể từ phía con mình.

Một buổi sáng, mẹ của M. – một học sinh (HS) nữ trong lớp tôi chủ nhiệm đến gặp tôi. Chị ấy cho biết trong tiết học thể dục chiều hôm qua, GV dạy thể dục đã bắt M. nhảy bật xa quá mức, về nhà, chân em sưng, rất đau phải đi bó thuốc. Phụ huynh đề nghị tôi nói với GV là không nên bắt HS luyện tập quá sức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các em như vậy. Nếu GV còn bắt ép các em luyện tập như thế nữa, phụ huynh sẽ gửi đơn thưa. Hôm đó, GV ấy không có tiết dạy ở trường. Hôm sau, tôi gặp thầy trao đổi những điều phụ huynh đã nói. Thầy hết sức ngạc nhiên vì tiết thể dục chiều trước đó, M. đã không ra sân tập mà nhờ bạn xin phép thầy được ngồi trong lớp vì đau chân, và thầy đã đồng ý. Thế là tôi phải mời thầy đến lớp tôi dạy. Mọi việc sáng tỏ. Giờ chơi trước tiết học thể dục, M. chơi đùa với bạn, bị té sưng chân nên không học được. Về nhà, sợ mẹ la, em nói rằng do học thể dục nên chân đau. Tôi lại phải liên hệ với phụ huynh để nói rõ mọi việc.

Trường hợp của cô bạn tôi dạy ở trường khác còn oan ức hơn. Phụ huynh của một HS trong lớp cô dạy đến trường gặp Ban giám hiệu kiện về việc cô đã nhéo tai con họ làm trầy xước, chảy máu. Ba của HS ấy đã chụp hình vết thương, thu âm lời em nói là cô giáo nhéo vì làm bài sai để làm bằng chứng. Ông nói nếu nhà trường không xử lý nghiêm minh, ông ấy sẽ gửi các bằng chứng đó cho báo chí. Cô bạn tôi khẳng định không hề nhéo tai HS. Vết thương mọi người thấy như hai vết cong của móng tay bấu mạnh vào lỗ tai ở sát đầu, chứ không phải là nhéo bị bầm. Có mặt cô giáo, HS ấy lại nói cô không nhéo. Phụ huynh càng to tiếng cho rằng do em quá sợ cô giáo nên không dám nói đúng sự thật và ông mở ghi âm trong điện thoại cho mọi người nghe lời em kể là “bị cô nhéo vì làm bài sai”. Dù biết làm như thế là tổn thương GV nhưng Ban giám hiệu vẫn quyết định đến lớp cô dạy để xác minh. Khi được hỏi, nhiều HS trả lời không biết. Rất may, khi vừa hỏi một HS ngồi phía sau con vị phụ huynh ấy, em đã mếu máo nói: “Tại nó nắm tóc con”. Sự việc rõ ràng là do hai HS mâu thuẫn nên đánh nhau. Về nhà, em không dám nói là đánh nhau với bạn nên khi ba mẹ phát hiện đã nói là cô giáo nhéo tai. Vị phụ huynh ra về nhưng hậm hực vì cho rằng nhà trường “dàn dựng” để bao che tội lỗi của GV.

Dường như hiện nay, qua nhiều luồng thông tin, qua những câu chuyện người lớn nói, HS cũng cảm nhận được là cứ nói thầy cô bắt làm, thầy cô làm thì các em sẽ thoát tội và mọi trách móc sẽ hướng về GV. Trong các cuộc chuyện trò, chúng tôi thường nói với nhau “hiện nay nghề giáo là một nghề nguy hiểm”. Chỉ cần một chút sơ sót, thậm chí bị oan khi bị phụ huynh thưa kiện thì bao năm tâm huyết với nghề, bao tình yêu thương dành cho HS như đổ sông đổ biển, mang tai tiếng cả đời dạy học. Chúng tôi mong lắm một sự cảm thông, một cách nhìn công bằng từ phía phụ huynh khi có sự việc làm phụ huynh không hài lòng.

Nhân Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)