Chỉ còn gần hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Không khí xuân làm những công nhân xa xứ vào TPHCM lập nghiệp càng nôn nao chờ tết đến. Người về hân hoan lo mua sắm dần từng thứ để làm quà cho người thân. Người không có điều kiện về quê ăn tết cũng tất bật nhờ vả bạn bè cùng quê mang giúp quà, tiền về biếu cha mẹ và lỗi hẹn một mùa xuân sum vầy bên mâm cơm ấm áp tình thương gia đình.
Thiết kế mai, đào tặng công nhân không có điều kiện về quê ăn tết.
Ráng về!
Không khí buôn bán hàng hóa sôi nổi dọc đường đi tại các khu công nghiệp đã xua tan cái lạnh của những ngày cuối năm. Chị Đinh Thị Hoa, quê Nghệ An (làm tại Công ty Trường Lợi, KCN Bình Chiểu) sau khi tan ca đã tấp vào quầy quần áo trẻ em lựa chọn. Mấy hôm nay, đi làm về là chị lại lùng mua đồ về làm quà cho mấy đứa cháu ở quê. Chị Hoa bảo phải mua dần chứ gần tết lại sợ không có thời gian.
“Đã hai năm rồi mình ăn tết xa quê, năm nay dù không khá hơn nhưng phải về vì nhớ cha mẹ. Mà về quê thì phải có quà”, vừa lựa đồ, chị Hoa cho biết. Là chị cả trong gia đình có 5 chị em, chị Hoa phải giúp ba mẹ lo cho các em ăn học. Lương mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng, chị trích gần một nửa gửi về quê để lo cho các em. Chị Hoa nói, về quê dịp tết rất tốn kém. Nào là tiền tàu xe, quà cáp cho ba mẹ, em út và hàng xóm. Chỉ tính tiền vé xe ra – vào đã hơn 4 triệu đồng. Số tiền này nếu gửi về quê, cả nhà chị sẽ có một cái tết tươm tất cùng hàng xóm.
“Hồi đầu năm, em dẫn đứa em kế vào TPHCM để làm chung. Mới xa nhà lần đầu, nó nhớ ba mẹ lắm nên hai chị em bàn nhau về quê ăn tết. Mấy tháng nay, chúng em tiết kiệm trong ăn uống và chi tiêu để dành tiền mua quà cáp về quê”, chị Hoa tâm sự. Chị Hoa nói mình đã mua cho ba bộ quần áo mới, mua tặng mẹ khúc vải may áo dài.
Cũng với suy nghĩ ráng về để cha mẹ vui trong 3 ngày tết, chị Lê Thị Kim Thiên, quê Đắk Nông (làm tại Công ty Woo Yang Vina II, quận 12) nói, hai vợ chồng chị phải chắt chiu từng đồng để tết này đưa cháu về thăm ông bà. Bé Nguyễn Ngọc Phương An (hơn 9 tháng tuổi) con chị Thiên, mắc bệnh tim bẩm sinh và đã được LĐLĐ TPHCM hỗ trợ mổ tim. “Bao nhiêu tiền bạc phải dồn vào lo cho con nên vợ chồng em định tết này ở lại. Nhưng ông bà ngoại bảo nhớ cháu mà lại không có điều kiện vào thăm nên tụi em sẽ dành tiền thưởng cuối năm để đưa con về ăn tết cùng ông bà”, chị Thiên nói ý định của mình.
“Ở lại nhớ cha mẹ lắm!”
“Ai chả mong ngày tết được về quê, nhưng năm nay em ở lại”, chị Lê Thị Tuyết, quê Thanh Hóa (làm tại Công ty Freetrend, KCX Linh Trung 1), ngậm ngùi. Chị bảo, để về quê thì trong túi hai vợ chồng phải có ít nhất 15 triệu đồng mới dám về vì tiền xe đắt đỏ, phải mất gần 10 triệu đồng cho hai người, rồi quà cáp, chứ chẳng lẽ cả năm về có một lần lại không có gì làm quà thì coi sao được. Lương hai vợ chồng chị hàng tháng khoảng 10 triệu đồng chỉ vừa đủ để chi tiêu trong nhà và lo cho đứa con nhỏ (gần 11 tháng tuổi).
“Tiền thưởng của em chỉ được một tháng lương cơ bản và ít quà, công ty em cũng rất ít tăng ca nên thu nhập hàng tháng không được bao nhiêu. Em hy vọng sang năm mới công ty có hàng nhiều, công nhân được làm tăng ca để có dư chút đỉnh dành về quê ăn tết”, chị Tuyết bày tỏ. Bữa hôm mẹ chị ở quê điện thoại vào thăm rồi hỏi tết này có về không, khi nghe chị nói không về thì bà buồn lắm. Chị bảo biết sao được, vì cuộc sống còn khó khăn. Hỏi tết này ở lại chị sẽ làm gì. Chị Tuyết nói, đây là năm thứ hai chị ăn tết xa quê. Chủ yếu loanh quanh ở nhà trọ chứ không biết đi đâu. “Ở lại buồn và nhớ cha mẹ lắm”, giọng chị Tuyết đượm buồn.
Chị Vũ Thị Hoa, quê Thanh Hóa, cho biết tết này cũng sẽ ở lại TP. “Về quê tốn kém quá nên hai năm nay vợ chồng mình đi bán trái cây để kiếm thêm chút tiền”, chị Hoa tâm sự. Chị Hoa làm công nhân tại Công ty Freetrend, chồng đẩy xe bán trái cây dạo ngoài đường. Cuộc sống vất vả những nhờ biết dành dụm nên hàng tháng vợ chồng chị Hoa cũng đủ chi phí lo cho con và gửi cha mẹ già ở quê được ít tiền chi tiêu.
Chị Hoa bảo: “Về quê thì còn có thời gian nghỉ ngơi và chơi tết, chứ ở lại vợ chồng mình vẫn đi buôn bán nên xem như không có tết. Nhưng được cái nhà trọ mình có tổ chức tiệc tất niên và đêm giao thừa thì qua nhà cô chủ nhà trọ ăn bánh tét, nhận lì xì rồi đi chùa hái lộc. Tết vậy cũng thấy ấm áp rồi. Thôi ráng, sang năm sẽ về quê…”.
° Để giúp công nhân ăn tết xa quê ấm áp hơn nhân dịp xuân về, ngày 13-2 (nhằm ngày 25 tháng Chạp), LĐLĐ TPHCM tổ chức chương trình “Ngày hội gia đình công đoàn” tại Cung văn hóa Lao động TPHCM. LĐLĐ các quận huyện, công đoàn cơ sở các đơn vị cũng tổ chức nhiều chương trình thăm, tặng quà, lì xì, gói bánh chưng, tặng mai, đào cho những công nhân không về quê trong dịp Tết Ất Mùi 2015.
° Ngày 4-2, LĐLĐ quận 1 (TPHCM) đã tổ chức bữa tiệc tất niên và tặng quà 20 công nhân đang làm việc tại Công ty Furishima Việt Nam không về quê năm nay. Mỗi công nhân được nhận phần quà trị giá 500.000 đồng, một bao lì xì 500.000 đồng và một chậu hoa mai, đào từ cuộc thi thiết kế mai đào do LĐLĐ quận 1 phát động.
Nhằm giúp công nhân có hoàn cảnh khó khăn không về quê ăn tết, Trong dịp Tết Ất Mùi năm nay, LĐLĐ quận 1 chăm lo cho hơn 400 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nan y, hiểm nghèo đang làm việc tại các công ty và nghiệp đoàn xe ôm của quận.
THÁI PHƯƠNG
(SGGP)
Bình luận (0)