Y tế - Văn hóaThư giãn

Mông lung tiêu chí cấp phép ca khúc

Tạp Chí Giáo Dục

Đâu là tiêu chí cho sự “nhạy cảm” – lý do mà cơ quan cấp phép vin vào khi quyết định cho hay không cho phổ biến một tác phẩm?  

Siu Black là ca sĩ duy nhất đến thời điểm này được cho phép phổ biển
ca khúc Còn chút gì để nhớ trong album K’Bing ơi 
Bởi cùng một ca khúc nhưng nơi này cho phép, nơi khác lại không, hoặc đã được cấp phép rồi, lại thu hồi sau khi phổ biến…
Và, làm sao để người đi xin phép thôi hồi hộp, thôi lo ngại, thôi… ức chế mỗi khi muốn giới thiệu một tác phẩm hay (nhất là đối với những sáng tác trước năm 1975) đến công chúng?
Rõ ràng nhất lại… mơ hồ nhất
“Tiêu chí rõ ràng nhất chính là lời bài hát”, ông Vương Duy Biên – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) trả lời khi chúng tôi đề cập các tiêu chí trong việc cấp phép ca khúc. Theo đó, “chỉ cần nội dung không đi ngược lại với chính sách của Đảng và Nhà nước, không trái với truyền thống văn hóa của dân tộc, không chống phá cách mạng… thì sẽ được cấp phép phổ biến”.
Tiêu chí đơn giản là vậy, nhưng đối với người đi xin phép, họ vẫn thấy việc “cho phép” cũng “nhạy cảm” và rất… hên xui. Đã từng có những bài hát tưởng rất khó xin nhưng lại được cấp phép (như mới đây là Chuyện buồn ngày xuân của Lam Phương), và cũng có không ít ca khúc mà ca từ được cho rằng chẳng chống phá hay đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc nhưng lại bị cấm phổ biến hoặc xin phép hoài chẳng cho (Giết người trong mộng, Còn chút gì để nhớ…). Hoặc có những ca khúc mà ca từ chỉ đề cập tình yêu đôi lứa, nhưng vì người viết đang trong tình trạng “nhạy cảm” cũng bị cấm phổ biến (chẳng hạn vì ca khúc Anh sẽ nhớ mãi của Đức Trí – Bằng Kiều, album của Lam Trường đã phát hành rồi bị thu hồi do Bằng Kiều đang bị cấm biểu diễn trong nước; trong khi các ca sĩ khác hát hoặc phát hành album mà tên tác giả chỉ ghi Đức Trí thì vẫn được phổ biến).
Hầu hết các nhà sản xuất cho rằng, tiêu chí cấp phép vẫn còn chung chung, mông lung lắm. “Nói là vậy, nhưng chúng tôi chẳng thấy gì rõ ràng. Do đó, mỗi khi xin phép, chúng tôi tự xem xét trước nội dung, dù ca sĩ có thiết tha đến đâu nhưng hễ bài nào nhạy cảm thì bỏ ra cho đỡ hồi hộp, tránh rắc rối, bất lợi cho mình”, bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông bày tỏ. Ông Lê Lam Viên, Giám đốc Phương Nam phim cũng đồng tình, vì “nếu có những ca khúc mà nhân thân của tác giả phần lời (thường là các nhà thơ) chưa được xác minh rõ thì chúng tôi cũng khuyên gia đình/nghệ sĩ muốn xin phép nên tránh đi”.
Như vậy, thực ra đâu chỉ có phần lời ca khúc là tiêu chí mà cơ quan thẩm quyền dựa vào đó để cấp phép, mà việc xác minh nhân thân của tác giả (cả nhạc và lời) mới là khâu quan trọng và mất thời gian nhất. “Thiết nghĩ, để quá trình xin-cho nhanh gọn, người đi xin phép cần phối hợp cùng Cục NTBD để tìm rõ nguồn gốc, nhân thân tác giả”, ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio-Video chia sẻ.
Hội đồng duyệt chuyên nghiệp đến đâu ?
Chuyện Cục NTBD thu hồi quyết định đã cấp phép đối với ca khúc Tàu đêm năm cũ (trong album cùng tên của Vi Thảo) một lần nữa dấy lên những bức xúc, khó hiểu. Lâu nay, các nghệ sĩ, nhà sản xuất – phát hành băng đĩa đã không còn lạ trước những luật lệ khá… nhập nhằng trong khâu cấp phép phổ biến ca khúc của Cục NTBD và sở VH-TT-DL các địa phương (Chỉ có Cục NTBD là cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trong việc cấp phép ca khúc trước 1975). Họ quen bởi đã có không ít trường hợp ca khúc được cấp phép nơi này nhưng lại cấm biểu diễn nơi khác, được phát hành trong album này nhưng lại thu hồi album khác khi có ca khúc ấy, được cho phép biểu diễn trong chương trình này nhưng lại không được diễn tiếp trong chương trình khác… Tuy nhiên, với trường hợp ca khúc Tàu đêm năm cũ (tác giả Trúc Phương), dù mọi khâu trong thủ tục xin phép đã được làm đúng luật, vậy mà vẫn bị thu hồi, với lý do rất cũ: một số ca từ chưa phù hợp (được hiểu ngắn gọn là “nhạy cảm”). Chuyện cứ như đùa! Vì, người đi xin phép cũng phải đợi cả năm trời mới được cấp phép, chứ không xin-cho một cách vội vàng.
Trước những rắc rối trong khâu kiểm duyệt – cấp phép này, ông Vương Duy Biên, cho rằng: “Công việc cấp phép chỉ là một thủ tục, còn sáng tác và phổ biến ca khúc mới là vĩnh viễn. Mà, đội ngũ cấp phép của chúng tôi cũng thay đổi liên tục. Nên những người mới như chúng tôi cần có thời gian để tìm hiểu lại, hoặc xin ý kiến các chú, các bác – những nhà nghiên cứu âm nhạc, văn hóa, nhạc sĩ tên tuổi, uy tín… Đối với những trường hợp còn chênh nhau trong quan điểm của các thành viên hội đồng duyệt, hoặc giữa hội đồng duyệt và những người tham mưu trong cách thẩm định, tốt nhất cần được xem xét lại kỹ hơn, cẩn trọng hơn”.
Cửa hẹp cho Còn chút gì để nhớ
Đây là ca khúc không chỉ được người yêu nhạc của nhiều thế hệ yêu mến, mà còn được không ít các ca sĩ rất muốn được sử dụng, nhưng xin hoài mà vẫn vô vọng. Trước đây ca khúc này từng được cấp phép rồi nhanh chóng bị thu hồi sau đó. Nhưng vào năm ngoái, trong album của ca sĩ Siu Black, Còn chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy) được cấp phép phổ biến, tất nhiên, chỉ trong giới hạn của album này thôi.
Phải xin mới biết mà cho
“Làm sao chúng tôi có thể nắm hết được có bao nhiêu các tác phẩm trước năm 1975? Cũng giống như tiền, vàng đọng trong dân, Chính phủ làm sao kiểm soát hết? Vì vậy, chỉ khi đơn vị nào muốn xin thì chúng tôi mới xem xét để cấp phép. Còn những ca khúc nào được phổ biến chúng tôi sẽ cập nhật sớm nhất trên trang web của Cục”, ông Vương Duy Biên cho biết.

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)