Một hoạt động ngoại khóa rất thiết thực, ý nghĩa cho học sinh. Trong ảnh là hoạt động học sinh tái hiện lại cảnh chiến đấu của bộ đội Cụ Hồ. Ảnh: N.Trinh
|
Với nhiều giáo viên (GV) đã trải qua công việc dạy học và đặc biệt là làm công tác chủ nhiệm, đều có thể nhìn thấy sự thay đổi trong mối tương quan của cái kiềng ba chân (nhà trường – gia đình – xã hội) trong việc định hình và phát triển con người học sinh (HS) hiện nay so với trước đây.
Theo đó, nhiều vấn đề cần được nhìn nhận lại theo hướng tổng thể và phải thay đổi từ cái gốc của từng gia đình, từng trường học, từng môi trường sống cụ thể.
1. Ở khía cạnh gia đình, điều nên được lưu ý chính là thay đổi tư duy về cách tiếp cận giáo dục con cái theo hướng cởi mở, thân thiện hơn như thường xuyên có những buổi họp mặt với không khí thoải mái tươi vui nhằm mục đích cho các thành viên được nói lên tiếng nói của mình; cha mẹ học cách lắng nghe những điều trái ý – những tưởng dễ dàng thực hiện nhưng không dễ thành công khi các bậc phụ huynh bảo thủ, cố chấp và áp đặt.
Thực tế còn nhiều gia đình thường đưa ra lý do để biện hộ cho việc con cái mình gây lỗi khi nhà trường thông báo về kết quả giáo dục là cha mẹ dành thời gian cho công việc lớn hơn thời gian chăm sóc con cái. Mỗi lúc GV hẹn gặp mặt phụ huynh trao đổi về tình hình học tập của HS thì phụ huynh không thiện chí hay miễn cưỡng hợp tác, có gặp mặt họ cũng bao biện cho việc thiếu quan tâm con cái là “bận rộn với công việc làm ăn” hay “đã nhờ ông bà đi họp”… Phụ huynh có hàng trăm lý do không muốn thực hiện nhiệm vụ quản lý và giáo dục con cái đến nơi đến chốn, và sau đó là thoái thác theo kiểu nhờ thầy cô quan tâm. Thực tế có bao nhiêu bậc phụ huynh đã chấp nhận xem con là một người bạn? Với biết bao biến chuyển và đổi thay trong tâm sinh lý tuổi trung học cùng nhiều mối quan hệ phức tạp trong đời thực cũng như thế giới ảo, các em cần hơn hết những người bạn có kiến thức để được đón nhận lời khuyên, cần người bạn có chiều sâu tâm lý để tỉ tê sẻ chia, biết lắng nghe và sẵn sàng lắng nghe các em tâm sự mọi lúc. Việc đó sẽ trở nên dễ dàng khi cha mẹ biết đặt mình vào vị trí là người bạn mà con cái có thể tin tưởng.
2. Phía nhà trường là trách nhiệm của thầy cô giáo với HS (xin nhấn mạnh là trách nhiệm đầy tình thương với con người HS chứ không chỉ là trách nhiệm với quy định đúng sai của nghề nghiệp). Đứng vào hàng ngũ GV, còn có những cách nhìn về một số HS chưa ngoan, chưa thật sự chăm chỉ, chưa trung thực phần nào đó phiến diện. Một số GV tỏ sự thờ ơ giống như làm cho qua chuyện, cho hết nhiệm vụ như “đã nói rồi không nghe sau đừng có mà trách”, “không nghe thì thôi kệ”… Thực ra cũng không phải làm cho qua nhưng các thầy cô dựa theo những quy định nội quy cứng nhắc của nhà trường để hành xử với học trò của mình, họ chưa tận tâm và chưa thật sự hy sinh thời gian và tâm sức cho những khiếm khuyết hay lỗi của học trò để đi tìm những hoàn cảnh của từng em; nhiều GV chưa đi sâu vào bối cảnh dẫn đến hành động hay hành vi nơi sự việc xảy ra để hiểu HS, rồi khi lãnh đạo hỏi hay truy cứu đến thì các thầy cô nói họ đã làm hết trách nhiệm, và đúng là họ không sai thế nên không thể đòi hỏi hơn. Khi không ai sai, không ai có trách nhiệm hành chính thì trách nhiệm lương tâm ở đâu sau những vụ việc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trẻ sống không định hướng, văn hóa giao tiếp ứng xử thiếu chuẩn mực, đạo đức đi xuống… May mắn thay, đối lại với những GV trên là những người thầy hết lòng vì nghề, hết lòng vì tương lai của HS; họ tìm đến cùng nguyên nhân sự việc xảy ra như hoàn cảnh gia đình, khung cảnh hay bối cảnh sự việc…; họ sẵn sàng đến bên cạnh học trò như những người bạn để chuyện trò về mọi thứ; sẵn lòng “chai mặt” đến gặp phụ huynh mong cùng gia đình tìm cách đưa học trò “trở lại” để thiện toàn hơn…
3. Yếu tố thứ ba giờ đây trở nên cần thiết hơn lúc nào khác, đó là gia đình và các thầy cô giáo phải tạo lập, định hướng cho các em sống trong một “môi trường xã hội thực” (tức là đời sống thực tế diễn ra hằng ngày) và an toàn bao gồm những người bạn học tại trường, bạn bè ở khu phố/xóm, những anh chị hoạt động phong trào có khả năng tạo ảnh hưởng, có sức lôi cuốn dẫn dắt các em tham gia vào các sinh hoạt phù hợp lứa tuổi. Qua đó phụ huynh và thầy cô giáo có thêm thông tin về các em như tính tình thay đổi thế nào khi chơi trong từng nhóm bạn, tâm lý biến đổi theo từng giai đoạn và thời kỳ khác nhau ra sao, thêm vào đó biết các em đang làm gì, chơi ở đâu, chơi như thế nào… Hiện tại xuất hiện nỗi lo lắng bối rối của rất nhiều bậc phụ huynh và thầy cô giáo là “môi trường thế giới ảo”. Trẻ em bây giờ kết nối với bạn bè mà không cần biết mặt, sẵn sàng chia sẻ tâm tư tình cảm mà không phải “ngó trước sợ sau”, dễ dàng ném vào thế giới mạng những ngôn ngữ thiếu suy nghĩ, thiếu chuẩn mực không cần biết đối tượng đón nhận cảm giác như thế nào… Nếu không được hướng dẫn cách tiếp cận sàng lọc thông tin, không được học kỹ năng ứng xử hay đối phó đối mặt với vấn đề thì rất nguy hiểm cho sự phát triển đúng đắn.
Nguyễn Minh quân (TP.HCM)
Cái gốc của bạo lực học đường
Mỗi lần xem clip hay đọc tin tức về bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng, chúng ta lại xót xa. Đau đớn thay cảnh bạo lực đã làm cho nếp sống văn minh, nghĩa tình ngày càng phai nhạt. Biện pháp nào cho tệ nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng? Có lẽ, sẽ khó có biện pháp nào hữu hiệu khi chúng ta không tìm hiểu về nguyên nhân – cái gốc của bạo lực.
Đầu tiên là gốc từ gia đình. Chính gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi cọ hay đánh nhau…, vô tình gieo cho con cái tính cách ấy. Từ đó, con cái sẽ “thực hành” ở trường, ở lớp. Và như thế, bạo lực học đường dễ “thực hành” bắt nguồn từ gia đình. Bên cạnh đó, khi học sinh gây gổ, đánh nhau ở trường, về nhà kể cha mẹ nghe, nhiều bậc phụ huynh thay vì khuyên con ứng xử hay, đẹp trước tình huống ấy thì lại tỏ ra bực tức về những đứa học trò đó trước mặt con mình; thậm chí có những bậc phụ huynh lên tận trường “dằn mặt” những đứa trẻ ấy. Cứ như thế, bạo lực ngày càng gia tăng mà cái gốc của sự gia tăng ấy chính là gia đình.
Thứ hai là gốc từ nhà trường. Nhiều trường học nặng dạy chữ, nhẹ dạy người làm cho bạo lực càng nhiều ngay tại môi trường cần lắm sự yêu thương, đùm bọc, chở che – môi trường của thân thiện, của tích cực, của sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Bệnh thành tích, học… học… học và khiến cho học sinh ít có thời gian giải trí, ít có thời gian rèn đức, học nhiều khiến các em bị áp lực, ức chế nên dễ gây cáu gắt và bạo lực dễ xảy ra.
Sự quản lí lỏng lẻo của nhà trường cũng khiến cho bạo lực học đường “có đất dụng võ”. Bởi vậy, công việc quản lí rất quan trọng. Nhà trường cần tổ chức những chuyên đề ngoại khóa – những chuyên đề mang ý nghĩa giáo dục để dạy cho học sinh, giảm áp lực học tập cho các em thì tình trạng bạo lực sẽ hạn chế. Và bản thân mỗi thầy cô giáo cần phải là tấm gương sáng để các em đặt niềm tin và noi theo.
Bạo lực học đường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng hai nguyên nhân chính vẫn là từ gia đình và nhà trường. Hai cái gốc này cần phải được quan tâm nhiều thì bạo lực học đường mới giảm. Hãy xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” bắt nguồn từ sự dạy dỗ, giáo dục của gia đình và nhà trường.
Hoàng Thái Hùng (Giáo viên Trường THPT Bác Ái, TP.HCM)
|
Bình luận (0)