Hàng trăm người dân, đặc biệt là các em học sinh ở bản Vôi, bản Kè (xã Tà Long) và bản Cupua ở (xã Đakrông) thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị suốt nhiều năm qua vẫn mong mỏi có một cây cầu bắc ngang dòng sông Đakrông để việc đi lại sản xuất, giao thương và con em họ tới trường được thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa lũ…
Bất trắc với thuyền nan
Hai bản Vôi và Kè của xã Tà Lòng có khoảng gần 100 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Có địa giới hành chính nằm về phía Nam dòng sông Đakrông nên bà con muốn ra trung tâm xã, các cháu đến trường học chữ đều phải ngang qua dòng sông Đakrông. Do không có cầu nên bà con phải sang sông trên những chiếc đò ngang, không áo phao. Theo quan sát của PV, dòng sông Đakrông rộng khoảng chừng 50m, mực nước mùa mưa dâng cao, hai bên bờ lởm chởm những tảng đá trơn trượt. Bà con nông dân nhiều người đi bằng thuyền, nhiều người khác không có thuyền, khi bến vắng người sang sông thì họ đành lội bộ qua bên kia bờ. Riêng mỗi ngày không dưới 4 lượt, các em học sinh phải tự mình chèo thuyền qua sông để đến trường và về nhà. Chị Hồ Kăn Pể, một người dân ở bản Vôi cho biết: “Không có cầu, mỗi lần đi ra trung tâm xã, đưa các cháu đi học đều rất vất vả. Đời sống của bà con còn nghèo, không phải ai cũng có thuyền để đi, phần lớn đi bằng xăm xe hoặc lội bộ. Nhất là vào mùa mưa, nước dâng cao thì đành ngồi nhà thôi. Có khi bà con và các cháu trở về bản gặp nước to cũng bị cuốn trôi, cũng may là có người phát hiện cứu kịp thời”. Còn em Hồ Văn Thành, học sinh Trường TH-THCS xã Tà Long thổ lộ: “Mỗi lần qua sông để đến trường vất vả lắm. Có hôm em và các bạn phải bơi qua sông, áo quần, sách vở bị ướt hết”.
Học sinh bản Vôi, bản Kè (xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) đến trường bằng đò ngang
Ông Hồ Văn Thổ, Trưởng bản Vôi cũng cho biết, hàng ngày, nhiều bà con dân bản xã Tà Long gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại qua phía bản Vôi, bản Kè để làm nương làm rẫy, bởi vì diện tích đất rừng được Nhà nước giao cho bà con dân bản xã Tà Long sản xuất đều nằm ở phía bản Vôi, bản Kè. “Tội nhất là các cháu học sinh đến trường. Không chỉ ướt áo quần, sách vở mà còn nguy hiểm đến tính mạng”, ông Thổ trăn trở.
Qua sông bằng cáp
Đó là tình trạng đang diễn ra ở bản Cupua, xã Đakrông. Để đến trường và ra trung tâm xã, hàng ngày chục hộ dân ở bản và học sinh phải đi ngang con sông Đakrông nước chảy xiết bằng hai sợi dây cáp do bà con tự làm. Cứ mỗi lần đi ngang khúc sông này, các em học sinh phải bám chặt hai tay vào sợi cáp hoen gỉ, bấm từng bước chân lên sợi dây còn lại để đi qua. Anh Hồ Ê Nót, Trưởng thôn Cupua cho biết: “Tình trạng bà con sang sông bằng cáp ở đây diễn ra đã từ lâu. Nếu không đi thì bà con không có đường nào khác để ra ngoài”. Theo người dân ở bản Cupua, đã có trường hợp người dân trượt chân rơi xuống dòng nước xiết tử vong. “Dù biết qua sông bằng cáp là nguy hiểm nhưng bà con không còn con đường nào khác. Đành phải nhắm mắt đi liều”, anh Ê Nót than thở.
Suốt chục năm nay, người dân bản Cupua (xã Đakrông) đánh cược tính mạng trên sợi dây cáp
Ông Hồ Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết: “Việc xây cầu cho người dân bản Cupua là việc làm cấp thiết. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị, đưa vào kế hoạch thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới nhưng vấn đề nguồn vốn đầu tư chưa có”. Theo ông Chạy, để xây dựng cây cầu dài khoảng hơn 50m tạo điều kiện cho bà con ở Cupua đi lại, phát triển kinh tế, học hành cần một khoản kinh phí tương đối lớn, cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp.
Trong khi chờ được hỗ trợ những cây cầu bắc ngang sông để thuận tiện trong việc đi lại, hàng ngày hàng trăm hộ dân, học sinh ở các thôn bản của xã Tà Long và Đakrông (huyện Đakrông, Quảng Trị) vẫn đánh cược tính mạng của mình trên những chuyến đò ngang, trên sợi dây cáp đầy bất trắc.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)