Tòa soạnThư đi – tin lại

Mong một vị trí xứng đáng cho ngành xã hội học

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù xã hội học (XHH) là ngành khoa học khá non trẻ ở Việt Nam nhưng nó đã sớm xác định được vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Không phải ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngành XHH là “bác sĩ” của xã hội, bởi lẽ bằng những cơ sở, dữ liệu khoa học, các nhà xã hội học có thể “chẩn đoán”, tìm hiểu nguyên nhân và đi đến lý giải những hiện tượng xã hội đang diễn ra hằng ngày. Do vậy, mặc dù tốt nghiệp ngành XHH mang ý nghĩa trừu tượng, không rõ ràng như một ngành chuyên biệt, nhưng vì tính chất xã hội rất đa dạng của ngành học này nên sinh viên tốt nghiệp có thể công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Công tác xã hội, viện nghiên cứu phát triển, nghiên cứu thị trường, quản lý nhân sự, chuyên viên tư vấn, viết báo… Bởi thực tế, ngành cung cấp rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm… nếu áp dụng vào việc nghiên cứu sẽ cho kết quả cao. Từ việc thiết kế ra bảng hỏi cho đến sử dụng phần mềm chuyên biệt của ngành để xử lý, và cuối cùng là kết quả thu được đều dựa trên những con số mà thầy cô của ngành vẫn thường đùa là: “Con số biết nói rất tinh vi”. Chị Xuân Quyên (cựu sinh viên ngành XHH của Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết: “Mọi vấn đề tưởng chừng như bình thường nhưng dưới con mắt nhìn của XHH nó trở nên tinh tế và sâu sắc. Khi phân tích theo hướng nhìn của xã hội sẽ rất công tâm, không cứng nhắc như pháp luật, toán học, không mềm yếu, chủ quan như văn chương… tất cả kết quả hiển thị qua những con số, nhưng ở đây là những con số biết nói”. Còn chị Đỗ Thị Cưng (tình nguyện viên Trung tâm Chắp Cánh (Maison Chance) chia sẻ: “Bằng nhãn quan XHH, tôi đã học được sự công bằng, đối xử không thiên vị với người khuyết tật, cách ứng xử mang đậm tính nhân văn, biết dành tình cảm của mình nhiều hơn cho những đứa trẻ mồ côi tại trung tâm…”.
Thế nhưng, trong những năm qua, mặc dù ngành học này có điểm chuẩn “khiêm tốn” nhưng lại rất ít thí sinh tham gia dự thi, trong khi đó nó là một trong những ngành khá “nóng” ở các nước phát triển. “Không như mọi người vẫn nghĩ, ngành thuộc khoa học xã hội ra trường sẽ khó tìm việc, nhìn nhận ở một khía cạnh tích cực, không có nghề nghiệp nào mà không được sử dụng trong xã hội, quan trọng là bản thân của chúng ta có đủ năng lực hay không. Không phải ngành nghề đem lại sự nổi tiếng cho chúng ta, mà chính bản thân chúng ta đem lại sự cao quý cho ngành nghề đó” – anh Huỳnh Minh Tân – cựu sinh viên ngành XHH, hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường khu vực miền Trung – Tây Nguyên thuộc Công ty Bảo vệ Yure – Nhật Bản tâm sự như thế!
Hy vọng rằng, ngành XHH sẽ có một vị trí, chỗ đứng xứng đáng, được nhiều người biết đến, giúp cho những bạn trẻ sắp là tân sinh viên có thể hiểu rõ hơn về ngành này và từ đó định hướng cho mình một hướng đi đúng đắn, không mãi chạy theo những ngành nghề được cho là “thời thượng”, “có giá” sẽ dẫn đến tình trạng ngành thì thừa nhân lực, ngành lại thiếu nhân lực trong khi xã hội đang rất cần. Có như vậy, sự phát triển của khoa học xã hội nhân văn Việt Nam sẽ không tách rời với xu hướng phát triển của thế giới.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín

Bình luận (0)