Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mong muốn con “giỏi toàn diện”, đúng hay sai?

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa hè đang đền gần. Học sinh các cấp đang thi những môn cuối cùng của học kỳ II để kết thúc năm học. Điều mà đa số phụ huynh mong mỏi là nhận quyển sổ liên lạc với kết quả tốt đẹp: con được xếp loại giỏi.

Theo cách đánh giá hiện nay của ngành giáo dục, muốn được công nhận là học sinh giỏi thì phải có điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên và không có môn nào dưới 6,5. Đối với bậc THCS và THPT, số môn học trên 10 môn, lượng kiến thức ngày càng nhiều và phức tạp, để đạt học sinh giỏi không phải chuyện dễ dàng gì. Thương con, đa số phụ huynh đều có kỳ vọng cao là mong con mình học giỏi, không những giỏi một môn mà phải giỏi nhiều môn, hay nói đúng hơn là “giỏi toàn diện”. 

Nhà trường đề ra mục tiêu “giáo dục toàn diện” cho học sinh là rất đúng. Nhưng không vì thế mà phụ huynh muốn con mình phải “giỏi toàn diện”, vô tình tạo áp lực rất lớn cho các em. Xét về khả năng học tập thì mỗi học sinh có mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Có em giỏi các môn khoa học tự nhiên, nhưng có em lại giỏi các môn khoa học xã hội. Có học sinh giỏi văn lại không giỏi toán; học sinh giỏi văn, toán lại không có năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật, thể thao; em này giỏi thực hành thí nghiệm, em khác lại khéo tay hay làm. Học sinh có khởi điểm khác nhau cũng cần có sự đánh giá, nhìn nhận khác nhau. Nếu chỉ áp dụng công thức chung thì cũng tội cho một số em tuy rất cố gắng nhưng vì lý do nào đó (như các yếu tố bẩm sinh, sở thích, sức khỏe, đặc điểm tâm lý và điều kiện học tập) không thể theo kịp bạn bè. Thực tế cho thấy, có những học sinh dù cuối năm không được xếp loại giỏi nhưng so với khởi điểm đầu năm, từ học sinh yếu hay trung bình vươn lên loại khá, em đã có một bước tiến dài. Em đáng khen hơn đáng trách vì đã nỗ lực phấn đấu nhiều hơn là những em đã giỏi sẵn. Nhà trường đã chú trọng phương pháp “dạy học cá thể hóa” thì cũng nên nghiên cứu cách đánh giá học sinh dựa trên đặc điểm và thế mạnh của từng em hơn là áp dụng một công thức chung cho mọi đối tượng.

Chỉ vì danh hiệu “học sinh giỏi” mà các em bị “hành” quá mức: “Học ngày chưa đủ, tối còn tranh thủ học thêm”. Thời gian học có khi còn nhiều hơn giờ lao động của người lớn nữa. Chiều chiều trên đường về, nhìn học sinh tan trường, được cha mẹ chở đến các lớp học thêm, ngồi trên xe tranh thủ ăn bánh mì, gương mặt phờ phạc, mệt mỏi, thậm chí có em ngủ gục trên lưng của người thân, thấy mà thương! Những học sinh lớp cuối cấp, phải luyện thi, thì sau giờ tan học 17 giờ chiều, các em còn phải học thêm hai ca nữa mới được về nhà hơn 9 giờ tối. Thử hỏi, học nhiều như vậy còn thì giờ đâu mà tự học và nghiền ngẫm kiến thức. Cuối năm học, con không được xếp loại giỏi như ý thì phụ huynh mắng chửi hoặc trách cứ thầy cô và xem đó như là một thất bại ghê gớm lắm vậy!

Phụ huynh cần thay đổi tư duy về việc nhìn nhận, đánh giá kết quả việc học của con. Nếu vì học môn nào đó chưa được tốt, con không được xếp loại giỏi, phụ huynh cũng nên bình tĩnh, coi đó là chuyện bình thường. Không nên đặt ra yêu cầu vượt quá khả năng của con, lúc nào cũng phải đạt điểm 9, điểm 10 mới chịu. Một khi đã xác lập được tinh thần ấy, cha mẹ sẽ không la rầy, trách mắng mỗi khi con bị điểm kém mà tìm hiểu nguyên nhân và giúp con kiên trì khắc phục điểm yếu của bản thân để tiến bộ. Nếu cố gắng khắc phục mà con vẫn chưa giỏi thì cũng không nên lo lắng thái quá dẫn đến việc tạo áp lực nặng nề. Phụ huynh không nên vì căn bệnh “sĩ”, lúc nào cũng muốn con mình phải giỏi mà vô tình biến các em thành cái máy nhồi nhét kiến thức. Suy cho cùng, khi ra đời các em sẽ chỉ giỏi một nghề, biết rành kiến thức xoay quanh chuyên môn nghề đó là đủ. Đòi hỏi một người lớn phải giỏi đủ mọi lĩnh vực là điều quá sức. Vậy thì tại sao lại bắt con mình ngay từ nhỏ phải giỏi toàn diện (?!)

Ban giám hiệu không vì thành tích của trường mà tạo áp lực lên giáo viên. Và giáo viên không vì bệnh thành tích mà yêu cầu học sinh phải học thật giỏi môn học của mình. Bên cạnh đó, nên chăng cho học sinh phân ban ngay từ bậc trung học từ đó giảm tải một số môn, để việc học trở nên nhẹ nhàng, hứng thú hơn.

Học sinh không phải là “siêu nhân”. Do đó, mong muốn con “giỏi toàn diện” là điều cần được xem lại.

An Nhiên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)