Cử tri Hoàng Văn Nông (P.Tăng Nhơn Phú B) góp ý cho việc thành lập TP.Thủ Đức
Ngày 6-10, đơn vị số 7 thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm các đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm – nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; Trịnh Ngọc Thúy – Phó Chánh tòa án nhân dân TP.HCM đã tiếp xúc cử tri Q.9 trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã phản ánh, kiến nghị, gửi gắm nhiều vấn đề liên quan đến môi trường sống, thoát nước, tái định cư, đền bù giải tỏa, chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí. Đặc biệt nhiều cử tri bày tỏ vui mừng, tán thành chủ trương sáp nhập 3 quận (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức) thành TP.Thủ Đức. Nơi đây được kỳ vọng là “TP trẻ”, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống người dân thông qua phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, các cử tri cho rằng khi thành lập TP.Thủ Đức đòi hỏi chính quyền TP phải giải quyết trước nhiều vấn đề kéo theo. Trong đó, nên đề ra chủ trương, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, thoát ngập, mạnh dạn giải tỏa đền bù chỉnh trang đô thị, dành quỹ đất tái định cư… Kế hoạch đưa ra với tầm nhìn dài hạn và ngay bây giờ phải lắng nghe tâm tư, đóng góp ý kiến của người dân xem chủ trương có phù hợp không.
“Vừa qua, một số nơi phát phiếu lấy ý kiến người dân về việc thành lập TP.Thủ Đức, điều này thể hiện sự dân chủ nhưng không thiết thực. TP nên phổ biến cụ thể thông tin về việc thành lập TP mới, những giá trị nơi đây mang lại cho người dân, hoặc những vấn đề người dân sẽ gặp phải. Từ đó, tổ chức các buổi gặp gỡ để người dân nói lên ý kiến. Cách làm này vừa công bằng, dân chủ, vừa sâu sát ý dân”, cử tri Lê Thanh Tùng (P.Tân Phú) góp ý.
Cử tri Tùng góp ý thêm, cần có sự chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo với những cán bộ trẻ, năng động, nhiệt huyết, có tâm, có tài để người dân được hưởng mọi chế độ từ TP mới.
Đồng quan điểm, cử tri Hoàng Văn Nông (P.Tăng Nhơn Phú B) đề xuất TP nên cung cấp thông tin về thủ tục hành chính như hộ khẩu, chứng minh nhân dân sẽ thay đổi như thế nào khi thành lập TP mới. Nếu thay đổi thì người dân có tốn phí làm lại không.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Phan Nguyễn Như Khuê – cho rằng, các ý kiến cử tri đóng góp hết sức gần gũi, đi vào trọng tâm cuộc sống mà các cấp chính quyền từ phường, xã, quận, huyện, TP đang hoạch định kế hoạch giải quyết để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.
Thông tin về thành lập TP.Thủ Đức, ông Khuê cho biết các quận 2, 9, Thủ Đức đã tiến hành tham khảo, gặp gỡ, tiếp nhận lấy ý kiến cử tri về thành lập TP mới nhưng còn nhiều ý kiến trái chiều. Bởi việc sáp nhập Q.2, Q.9, Thủ Đức thành TP.Thủ Đức phải thể hiện được ưu thế gì, giải quyết được vấn đề gì cho người dân chứ không đơn thuần sáp nhập vào là xong.
Trên cơ sở này, ông Khuê đề nghị các cấp chính quyền Q.9 quan tâm, lãnh đạo sát sao để thu nhận rộng rãi ý kiến cử tri. Ý kiến không chỉ dừng lại ở phản ánh, than phiền, mà trong đó còn là hiến kế cách làm, cách giải quyết các vấn đề như siết chặt quy hoạch, giải quyết dự án, kể cả việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự… để lường trước những sự việc phức tạp nảy sinh sau này.
Theo ông Khuê, quyết định thành lập TP.Thủ Đức bằng việc sáp nhập Q.2, Q.9, Thủ Đức đều có lý do. Q.2 là một TP mở sẽ giảm áp lực cho Q.1 là nội đô trung tâm tài chính, hành chính. Q.Thủ Đức có ưu thế là khu tổ hợp của làng ĐH Quốc gia TP.HCM, còn Q.9 có Khu Công nghệ cao. Sự gắn kết giữa 3 quận này sẽ tạo ra diện mạo TP mới, đây sẽ địa bàn tập trung vườn ươm nhân lực, quy hoạch giải phóng các kho bãi, khai thác tuyến sông Sài Gòn và kết nối phát triển ra các khu vực xung quanh. Hiện TP đang tiếp tục hoàn thiện đề án để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)