Trong các môn học ở nhà trường, nếu những môn tự nhiên cung cấp cho học sinh kiến thức để làm lớn hơn về “cái đầu”, thì môn văn – môn học đặc thù nhất của bộ môn xã hội – giúp cho các em lớn hơn về “trái tim”. Dạy và học văn, ngoài việc cung cấp cho học sinh sự hiểu biết và kỹ năng về sử dụng, giao tiếp tiếng Việt, còn có chức năng bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục lòng nhân ái, tình yêu con người, tình yêu mến cái đẹp, nghệ thuật… Chính vì thế mà một khi việc sử dụng tiếng Việt lệch chuẩn, nhiều biểu hiện xấu về lối sống vô cảm trong giới trẻ thì xã hội thường quy trách nhiệm ấy cho việc dạy và học văn trong nhà trường. Và khi tìm hiểu nguyên do, phần lớn thường quy cho lỗi từ phía thái độ người học, chứ ít người thấy được lỗi ấy xuất phát từ phía một số giáo viên dạy văn thiếu ý thức trong việc làm gương và truyền ngọn lửa cảm xúc cho học sinh.
Trao đổi với giáo viên nhiều trường, kể cả giáo viên dạy văn, chúng tôi cảm nhận có đôi chút thất vọng với một số giáo viên dạy văn. Có đôi chút bâng khuâng không biết khi họ dạy trên lớp thì thế nào. Còn khi nói năng với đồng nghiệp thì cứ “thả ga, thoải mái”, ứng xử với học sinh thì thẳng tuồn tuột, “cứng” hơn cả bản nội quy lớp học… Đã thế lại hay tự tôn, nên từ dự giờ, thao giảng đến đề thi, đáp án… chẳng ai chịu nhường ai, luôn luôn căng thẳng. Đã thế, không biết có phải do hoàn cảnh sống đã thay đổi nhiều quá hay không, mà nhiều giáo viên dạy văn có những suy nghĩ, quan điểm cực kỳ lạ lùng. Nghe bàn về thơ thì ngoảnh mặt quay lưng, cho là ủy mị, yếu đuối. Cho một làn dân ca, một điệu chèo cổ là lỗi thời, rỉ rên, sến sấm. Lại hay bàn về cơm áo gạo tiền, xe cộ nhà cửa. Vẻ như lửa nhiệt huyết với nghề đã có phần nguội lạnh.
Bài viết này không có ý “vơ đũa cả nắm”, cũng không “bới lông tìm vết”, có ác ý gì với ai cả. Mà chỉ trên quan điểm xây dựng, trước thực tế có một bộ phận đang hiện hữu trong nhà trường phổ thông hiện nay. Làm sao để từ vai trò người thầy, việc dạy học văn có ý nghĩa và có tác dụng hơn. Làm sao để trong lòng học sinh, giáo viên văn là tấm gương đầu tiên để họ soi vào mà rèn luyện nhân cách sống, như biết bao người thầy trong quá khứ và những “bông hoa đẹp” đang tỏa ngát hương thơm trên bục giảng ngày nay.
Tuấn Trần
Bình luận (0)