Mong sao thầy cô lên lớp hãy cư xử đúng mực với học trò để tạo niềm tôn kính thực sự. Mong học trò hãy biết yêu thương người thân, bạn bè, thầy cô.Đó là những mong mỏi từ thầy và trò nhân ngày lễ của thầy cô 20/11.
Thầy hãy là gương...
Một câu chuyện về việc tặng hoa thầy giáo nhân ngày 20/11 của năm học đầu tiên vào trường cấp 3 đã để lại một cảm giác buồn trong Linh mỗi khi ngày nhà giáo đến. Phương Linh, HS lớp 11một trường ở Hà Nội kể, thầy dạy Tin học lên lớp, cả lớp cử đại diện lên tặng hoa chúc mừng thầy. Đáp lại tình cảm đó, thầy chỉ nói một câu cảm ơn rồi đặt bó hoa sang bên cạnh và tiếp tục giảng bài. Linh và các bạn cho rằng, thầy xử sự như vậy khiến cả lớp "chưng hửng" và cảm thấy lạnh lùng khi đang mong mỏi thầy nói một vài câu thật lòng hơn.
Cũng là một chuyện liên quan đến xử sự thầy trò, chỉ một câu nói của thầy cũng khiến nhiều HS trong lớp tự ái. Linh kể tiếp, thầy hỏi lớp có bao nhiêu HS giỏi. Cả lớp trả lời 30/50 bạn. Vậy là thầy nhận xét, những người còn lại là vứt đi. Theo Linh, sự học trước đây không gắt gao như bây giờ, thầy nói vậy khiến HS nản chí, áp lực học nặng nề hơn. "Em mong rằng thay vì chê trách, thầy hãy động viên để các em có thêm động lực học tập tốt hơn", Phương Linh mong mỏi. HS rất thích tiết học thầy cô giáo hài hước, dù học căng thẳng nhưng được cười, được cùng xây dựng bài giảng thì sẽ nhớ lâu hơn.
Tuy nhiên, không nhiều giờ học được như vậy mà phần lớn các thầy chỉ lên giảng bài cho nhanh, kịp giờ để hết bài, rồi "dội" cho HS nhiều bài tập khiến áp lực nặng, giờ học căng như dây đàn, Bích Ngọc, HS lớp 11 Trường THPT Hà Nội – Amstecdam nhận xét. Cũng chính vì áp lực học hành đó mà khiến HS ngủ không đủ giấc, thiếu thời gian giải trí. Thậm chí, những cuốn truyện hay càng không có thời gian để đọc vì hàng ngày đã phải đọc quá nhiều.
Không bằng lòng về thầy cô là chuyện thường của mỗi HS, đặc biệt là lúc bị cho điểm kém hoặc bị mắng trước lớp, đó là nhận xét chung của nhiều HS ở lứa tuổi chập chững vào đời. Nhật Huy, HS lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội nhận xét, HS ngày nay áp lực học hành thi cử rất căng, phải "chạy sô" học thêm rất nhiều để phấn đấu cho mục tiêu vào ĐH hoặc đi du học. Do đó, giờ lên lớp chỉ ngồi nghe để đảm bảo vừa đủ kiến thức kiểm tra, thi. Nếu thầy cô nghiêm khắc quá thì HS chỉ ngồi nghe, giờ học sẽ không sôi nổi.
Phương Linh cũng cho rằng, thầy cô có thể tạo áp lực học hành nhưng không nên gây căng thẳng cho HS. Tạo điều kiện cho HS gỡ điểm nếu bị điểm kém. Vì thường những HS học kém môn nào lại rất sợ thầy cô môn đó. Linh kể, năm lớp 9 rất sợ môn Toán, nhìn thấy thầy từ xa là chạy mất và đến giờ nghĩ lại vẫn thấy đó là "nỗi ám ảnh không thể nào quên".
Chị Phương Thanh, mẹ của Phương Linh mong muốn, các thầy cô hãy là tấm gương đạo đức, cư xử mẫu mực để HS có thể trông vào đó mà hình thành nhân cách cũng như lý tưởng sống.
Là một gia đình viên chức thuần túy, điều mong muốn của phụ huynh Thanh Tâm, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, có con gái đang học lớp 6 Trường Đoàn Thị Điểm là, HS đến trường được đối xử bình đẳng, không phân biệt. Cũng đồng quan điểm với chị Thanh, anh Tâm cũng mong muốn trong guồng quay của nền kinh tế thị trường và sự coi trọng đồng tiền trong xã hội ngày nay, thì mỗi thầy cô hãy luôn là tấm gương về đạo đức và lối sống, là sự chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, trang phục để con trẻ lấy đó làm chuẩn mực.
Đồng thời, anh Tâm gửi gắm: "Tôi muốn Nhà nước và cả xã hội quan tâm hơn nữa đến các nhà giáo cả về tinh thần và vật chất để họ có thể toàn tâm, toàn ý dạy dỗ con em chúng ta tốt hơn".
Để dạy trò biết yêu thương
Đúng là có một bộ phận nhà giáo, vì nhiều lý do mà "đánh mất" nhân cách của mình, làm giảm sự kính trọng của phụ huynh cũng như HS, nhưng số đó rất ít, cô Bế Thị Thanh Hải, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội nhận xét. Vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/11 về thành tích tốt trong giảng dạy, cô Hải khẳng định, nếu cho chọn lại sẽ vẫn tiếp tục nghề dạy học. Theo cô, đây chính là nghề cao quý nhất mà xã hội đã từng tôn vinh. "Tôi đã chọn nghề giáo từ khi đi học lớp 1, cô giáo dạy tôi rất đáng kính và để lại ấn tượng mạnh để tiếp sức cho tôi đi theo bước đường của cô", cô Hải bùi ngùi kể. Ngày nay, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng "cái" được của người thầy là sự trưởng thành của HS, thậm chí, có bà mẹ đi vắng trong thời gian con học cấp 3 và 3 năm sau con ra trường đã quay lại cảm ơn cô.
Với gần 30 năm trong nghề dạy học, cô Hải cho rằng, học trò ngày nay thông minh, năng động và khả năng cập nhật thông tin, tự khám phá rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những hành động, việc làm, đối nhân xử thế chưa được hoàn thiện như thế hệ học trò trước đây. Đây cũng chính là điều day dứt trong giáo viên hiện nay, cô Hải trăn trở.
Cũng một trăn trở nhưng từ phía nhà quản lý, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú tâm sự, đúng là học trò ngày nay linh động hơn, thể hiện tình cảm thân thiện và không xa cách, không "kính nhi viễn chi" như quan hệ trò với thầy trước kia. Tuy nhiên, "tôi thấy các em ngày nay dường như vô cảm quá, vô tình với cả những người thân và điều này phải có sự tác động lớn của thầy cô và nhà trường".
Chung quan điểm này, thầy Đỗ Đức Bình, giáo viên Toán, Trường THPT Chu Văn An, HN cho rằng, học trò bây giờ dân chủ hơn, trước mặt thầy cô có thể không dám có thái độ nhưng khi nói chuyện với nhau thì phát ngôn dùng đại từ nhân xưng không thể hiện sự kính trọng giáo viên. Điều này là do ảnh hưởng quan hệ xã hội tác động, cha mẹ không để ý quan tâm đến con cái và đặc biệt luồng văn hóa xấu có tác động khá mạnh đến giới trẻ.
Cô Nhiếp trăn trở, mỗi lần nghe học trò nói với thầy cô như vậy thì cảm thấy tổn thương ghê gớm. Cô Nhiếp kể, có lần đi sau một vài HS và vô tình nghe được các em nói bà hiệu trưởng ghê gớm này nọ, cô đã đi lên vừa nói đùa vui nhưng cũng là trách nhẹ nhàng, đây bà hiệu trưởng ý đây...
Thầy Bình cho rằng, trong chương trình học còn chưa đủ tầm để giáo dục cho học trò những truyền thống của cha ông, HS không thông hiểu lịch sử. Bộ GD-ĐT triển khai các chương trình thay sách, thi cử với những thông tin thay đổi quá dồn dập khiến nhiều giáo viên chưa thích ứng kịp. Thay SGK cũng chưa phù hợp, nói là giảm tải những thực chất lại là tăng tải, kiến thức so với sách cũ tăng gấp rưỡi. Do đó, việc lên lớp giảng bài cho kịp chương trình, thời lượng choáng hết thời gian.
Qua đây, thầy Bình đề nghị, Bộ cần có sự điều chỉnh hợp lý. Đồng thời, mong muốn HS hiểu được quá trình đấu tranh của dân tộc, giữ được bản sắc của con người Việt Nam, không học đòi văn hóa không phù hợp. Những điều này kết hợp với sức năng động, sáng tạo công nghệ trong thời kỳ mới sẽ phát huy sức mạnh của mỗi HS trong thời kỳ mới.
Bảo Anh
Theo Vietnamnet
Bình luận (0)