Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Morocco: Có bằng khó tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Những người đã tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm biểu tình phía ngoài Quốc hội

Morocco một có một vấn đề bất thường, đó là càng học cao, dường như càng khó tìm việc làm.
Tỉ lệ chính thức thất nghiệp chung thấp hơn 10%, nhưng tỉ lệ những người tốt nghiệp đại học cao hơn nhiều, khoảng gấp đôi. Hàng ngày những thanh niên học cao bị vỡ mộng tụ tập phía ngoài quốc hội ở thủ đô Rabat đòi việc làm.
Anh Ali than thở: “Tôi 35 tuổi, có bằng tiến sĩ vật lý, và không thể kiếm được việc làm. Tôi đã lớn tuổi, chưa cưới vợ, không có nhà riêng. Hiện tại tôi chẳng có gì. Tôi nghĩ chắc phải rời đất nước, vì ở lại tôi chẳng là gì cả.”
Moukawalati
Đôi khi những người biểu tình bị cảnh sát cầm dùi cui xua đuổi. Chính phủ lo ngại về vấn đề này và đã đưa ra một loạt kế hoạch để giúp những người tốt nghiệp có việc làm. Một trong số kế hoạch, được gọi Moukawalati, có nghĩa là Chính phủ cho những người trẻ vay tiền để mở hãng. Từ kế hoạch này cũng có những người thành công. Merieme, một phụ nữ 25 tuổi, nay là chủ một doanh nghiệp in. Chị giải thích chương trình Moukawalati đã giúp chị phát triển kinh doanh ra sao, nhưng trường hợp của Merieme rất cá biệt.
Thoạt đầu, mục tiêu của Moukawalati là giúp 30.000 doanh nhân và tạo ra 90.000 việc làm, tuy nhiên đến nay Moukawalati chỉ cho 1.400 người vay và Chính phủ đã giảm bớt mục tiêu.
Sai lầm
Người đứng đầu cơ quan nhà nước điều hành Moukawalati, Kamal Hafid, thừa nhận đã mắc những sai lầm, nhưng ông nói một trong những vấn đề chính khiến kế hoạch thất bại là hệ thống giáo dục của Morocco không đồng bộ với thị trường việc làm hiện nay.
Ông nói: “Hệ thống giáo dục phải khá hơn – rõ ràng ai cũng thấy vậy, nhưng phải mất thời gian, có nhiều việc cần thực hiện. Và chúng tôi cũng cần phát triển tinh thần kinh doanh tại Morocco nữa”.
Nhiều người tốt nghiệp đi lên đi xuống phía ngoài quốc hội cuối cùng làm việc trong lĩnh vực tư nhân. Họ muốn làm việc cho nhà nước để an toàn.
Ông Hafid chỉ rõ, nhà nước chỉ hy vọng tạo ra 15.000 việc làm mới mỗi năm, trong khi lĩnh vực tư nhân có thể tạo 300.000 việc làm/năm.
Di dân bất hợp pháp
Tuy nhiên, lĩnh vực tư nhân thường khiến những người tốt nghiệp ở Morocco cảm thấy không phù hợp với thời hiện đại. Đã thế còn có lo ngại khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng đến Morocco. Tất cả đang mang lại hậu quả nghiêm trọng.
GS Lahcen Haddad nói: “Chúng ta có quan tâm về di dân bất hợp pháp trong giới trẻ và về ma túy nữa. Điều đáng lo ngại là một số người trở thành con mồi cho bọn theo chủ nghĩa quá khích”.
Trong năm 2003, có 11 thanh niên đã nổ bom tự sát tại thủ đô tài chính Casablanca, khiến 34 người khác chết cùng với họ. Những người Morocco cũng nằm trong số đánh bom tự sát ở Madrid và hàng trăm người đang đánh nhau ở Iraq, nhưng số này thường ít học hơn so với số đã tốt nghiệp đang biểu tình ngoài Quốc hội.
Con dao hai lưỡi
Gần phân nửa người Morocco mù chữ dù đây là một trong những nước phát triển nhất châu Phi. Morocco cũng có vấn đề về cơ cấu dân số. Ước tính hơn 1/4 triệu thanh niên bước vào tìm việc làm mỗi năm và khó có cơ may để họ tìm được việc.
Theo Haddad: “Đó là con dao hai lưỡi, hoặc Morocco sử dụng được sức lao động của họ và nền kinh tế sẽ cất cánh; hoặc họ sẽ khiến xã hội thêm khó khăn khi nhiều người trong độ tuổi đi làm thất nghiệp, và xã hội phải gánh chịu mọi hậu quả.”
Chính phủ chắc chắn đã nhận ra nguy cơ tiềm năng và nói đang tìm kiếm các giải pháp để giải quyết, nhưng những người đã tốt nghiệp biểu tình phía ngoài trụ sở Quốc hội coi đây lại thêm một lời hứa trống rỗng.
Anh Ali nói: “Hiện tại, tôi trở nên bi quan. Cuộc sống ở Morocco hết sức khó khăn, không có chút ánh sáng nào cả.”
Quang Hùng
 (theo BBC)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)